Gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản

Việt Nam đang hướng tới việc trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao.

Ngày 9/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị về giải pháp thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai đề án” (Đề án).

Gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg phê  duyệt Đề án phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao  năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng mục tiêu thực hiện chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và những thách thức cũng như cơ hội trong lĩnh vực này. Đề án nói trên nhằm mục tiêu Việt Nam đạt vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, mục tiêu này không chỉ dừng lại ở việc tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Cụ thể, Việt Nam đang hướng tới việc trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ việc tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị, một thách thức lớn cho cả ngành và đặc biệt là cho các nhà quản lý nhà nước.

Việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra mục tiêu xuất khẩu từ 14 - 16 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, một mục tiêu lớn nhưng hoàn toàn khả thi nếu như có sự đồng hành của cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.

Ông Luân cũng cho rằng, “Chìa khóa để đạt được mục tiêu nói trên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong tương lai, ngành thủy sản của Việt Nam có thể không chỉ nổi bật về số lượng xuất khẩu mà còn về chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cũng như nền kinh tế quốc gia”.

Ông Trần Văn Hào, Trợ lý Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đến năm 2030 thông qua việc tăng cường quản lý và giám sát nghề cá. Đối với xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đến hết tháng 10/2023 đã đạt tổng giá trị xuất khẩu xấp xỉ 693 triệu USD, tuy nhiên con số này giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Hào kêu gọi cần chống khai thác IUU và gỡ bỏ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), đồng thời định hướng theo các tiêu chuẩn bền vững. Đặc biệt, đề xuất việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, cùng với việc xây dựng trang đấu giá trực tuyến qua ứng dụng AppCa, nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc phân phối nguồn lợi cá ngừ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có cách tiếp cận khác, liên quan đến tầm vĩ mô của việc xuất khẩu thủy sản nói chung. Ông Hòe nêu bật sự cần thiết phải có hệ thống dữ liệu liên tục và được cập nhật thường xuyên.

Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nhằm đảm bảo thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
"Những điều chỉnh và định hướng mới này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho ngành cá ngừ Việt Nam, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn", Tổng Thư ký VASEP cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 3.190 tàu cá, với sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hàng năm đạt 95.000 tấn. Các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt trên 64 thị trường trên thế giới và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Đến tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt 511,4 triệu USD, giảm 19,15%.
Tuy nhiên, ông Hoan nhấn mạnh rằng việc triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 còn gặp một số khó khăn và hạn chế.
Cụ thể thị trường đầu ra một số sản phẩm thủy sản chưa thật sự ổn định, sản phẩm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, đông lạnh mà chưa có thực phẩm chế biến sâu, ngành nuôi biển của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, nhất là thủy sản nuôi chưa mang tính bền vững. Hội nghị là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá là những chính sách hiện có, những giải pháp phù hợp để phát triển ngành chế biến thủy sản theo đúng mục tiêu đề ra.

Theo BNews

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục