Cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương trong phát triển bền vững ngành thủy sản

(Chinhphu.vn) - Chiều 22/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững".

Cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương trong phát triển bền vững ngành thủy sản - Ảnh 1.

Việt Nam hiện có 83 cảng cá, 76 khu neo đậu, 7.500 cơ sở nuôi biển

Theo thống kê của Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 83 cảng cá, 76 khu neo đậu, 7.500 cơ sở nuôi biển, tạo việc làm cho trên 4 triệu người, đóng góp 25% GDP ngành nông nghiệp; kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới, năm 2022 đạt 11 tỷ USD.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái...

Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh, phải cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng, gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân.

Ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc. Vì vậy, ông Luân cho rằng các địa phương phải cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này.

PGS.TS Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng thủy sản là ngành kinh tế giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, đặc điểm của thủy sản là kinh tế hàng hóa, phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng, đó là thị trường và môi trường.

"Sau 35 năm đổi mới, ngành thủy sản tăng trưởng liên tục, khá ổn định, tuy nhiên, tác động của sự tăng trưởng đó vào đời sống của người lao động nghề cá rất thấp", PGS Chu Hồi nói.

Theo PGS TS. Chu Hồi, trong việc tiếp cận thị trường, vấn đề xây dựng chuỗi rất quan trọng, liên quan đến môi trường, truy xuất nguồn gốc. Chính sách, chương trình, đề án sắp tới khi điều chỉnh phải có hành động cụ thể.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, để ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được thẻ vàng của EC không chỉ có sự vào cuộc của Bộ NN&PTNT mà cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương. 

"Việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU là hoạt động trước mắt, còn mục tiêu lâu dài là bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, vì thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta phải tái trúc lại ngành hàng, đưa ngư dân vào hoạt động theo một quỹ đạo thống nhất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng muốn người dân chủ động chuyển đổi ngành nghề sang nuôi biển để giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết. Khi người dân tự giác, nhận thức đầy đủ được việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa, trong khi sinh kế, cuộc sống vẫn được đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới có thể thành công.

Theo báo Chính phủ

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục