Xuất khẩu mực, bạch tuộc thuận lợi trong tháng 10

(vasep.com.vn) Tháng 10/2018, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt. Giá trị XK trong tháng này đạt hơn 68 triệu USD, tăng 11% so với tháng 10/2017, nâng tổng giá trị trong 10 tháng đầu năm nay lên hơn 542 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

XK mực, bạch tuộc sang các thị trường chính trong tháng 10 cũng khởi sắc. Một số thị trường đã có sự phục hồi như ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan và Israel, trong khi đó XK sang Nhật Bản giảm. Tính đến hết tháng 10/2018, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam đã xuất được sang 61 nước trên thế giới. Trong đó, giá trị XK sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Israel và Nga chiếm tới 96% tổng giá trị XK trong giai đoạn này.

Hàn Quốc

XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ đầu năm. Tính đến hết tháng 10, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 211 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Hàn Quốc đang là thị trường NK nhiều nhất bạch tuộc, và thị trường NK mực lớn thứ 2 của Việt Nam. Bạch tuộc tươi/đông lạnh là sản phẩm được XK nhiều nhất trong cơ cấu nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam XK sang Hàn Quốc, sản phẩm chiếm ưu thế thứ 2 là mực khô, sản phẩm thứ 3 được XK nhiều sang Hàn Quốc là mực tươi/đông lạnh. Với mức thuế XK ưu đãi, dự báo XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng.

Nhật Bản

XK mực, bạch tuộc sang Nhật Bản lại giảm sau khi tăng trưởng trong tháng 9. Giá trị XK sang thị trường này trong tháng 10 đạt 14 triệu USD, giảm 12%. Tuy nhiên nhờ có sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó, nên tổng giá trị XK trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhật Bản đang đứng đầu về NK mực của Việt Nam chiếm 51% tổng giá trị XK. Tuy nhiên, năm nay tỷ trọng giá trị XK các sản phẩm mực có xu hướng giảm, trong khi bạch tuộc lại tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, XK các sản phẩm bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 18%, còn XK các sản phẩm mực giảm 12%.

EU

XK mực, bạch tuộc sang EU tiếp tục giảm, nhưng tốc độ sụt giảm không nhiều như những tháng trước. Giá trị XK sang EU trong tháng 10 giảm 8% đạt 8,6 triệu USD. Trong số các nước EU NK mực, bạch tuộc của Việt Nam, Pháp tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng trong tháng 10 đạt 261% so với tháng 10/2017. Còn XK sang Italy và Tây Ban Nha, hai nước NK nhiều nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam trong khối EU vẫn tiếp tục tụt dốc. Do mực, bạch tuộc là những mặt hàng mà Việt Nam khai thác nhỏ lẻ nên khó có thể đáp ứng được các yêu cầu về chống khai thác IUU của EU, nên dự kiến XK sang EU trong những tháng tới vẫn sẽ giảm.

ASEAN

XK mực, bạch tuộc sang ASEAN trong tháng 10 khởi sắc với mức tăng trưởng 16% so với tháng 10/2017, đạt 8 triệu USD, nâng tổng giá trị XK trong 10 tháng đầu năm lên 69 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Sự khởi sắc trong XK mực, bạch tuộc sang khối thị trường này chính là do sự tăng trưởng XK sang Thái Lan trong tháng 10, tăng 40%, đạt 6 triệu USD.

ASEAN đang là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 12,7%. Trong bối cảnh XK mực, bạch tuộc sang EU gặp khó, ASEAN tiếp tục trở thành thị trường XK thay thế tiềm năng.

Trong các dòng sản phẩm, mực vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang ASEAN. Giá trị XK các sản phẩm mực của Việt Nam sang khối thị trường này chiếm tới 97,3% tổng giá giá XK mực, bạch tuộc sang đây; các sản phẩm bạch tuộc chỉ chiếm 2,7%. Trong số các sản phẩm mực XK sang ASEAN, sản phẩm mực khô/nướng/sấy ăn liền được ưa chuộng nhất ở thị trường này.

Trung Quốc & HK

Tháng 10, XK mực, bạch tuộc sang Trung Quốc đã phục hồi sau 4 tháng liên tục sụt giảm. Giá trị XK mực, bạch tuộc sang thị trường này trong tháng 10 đạt 3,6 triệu USD, tăng 51% so với tháng 10/2017, nâng tổng giá trị XK trong 10 tháng đầu năm lên 39 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, thuế XK mực sống tươi, đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc là 0%, nên đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng trưởng XK mặt hàng này sang Trung Quốc. Do Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến thuế NK áp với sản phẩm mực, bạch tuộc của Mỹ trên thị trường Trung Quốc tăng, tạo cơ hội cho các sản phẩm mực, bạch tuộc cùng loại của Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục