Mở lối cho chế biến sâu sản phẩm từ thủy sản

Thủy sản của Quảng Nam chủ yếu xuất bán thô ra thị trường đã làm giảm đáng kể về giá trị kinh tế, vì vậy gần đây đã có một số hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp bắt đầu tìm đường xuất ngoại sản phẩm, hay đầu tư tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ thủy sản...

Sản phẩm cá nục rim Bà Ba Hội đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: H.Đ

Sản phẩm cá nục rim Bà Ba Hội đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: H.Đ

Nỗ lực của các chủ thể sản xuất

Tháng 7/2023 vừa qua, lô hàng 10 tấn cá nục rim của HTX Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (TP.Tam Kỳ) được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ đã trở thành điểm sáng về xuất khẩu thủy sản chế biến sâu ở Quảng Nam.

Trước khi xuất ngoại sản phẩm, chủ cơ sở này đã đầu tư một khu nhà xưởng sơ chế ban đầu ngay tại xã biển Tam Quang (Núi Thành). Sau đó, vận chuyển về HTX tại Tam Kỳ để rim, đóng gói hoàn chỉnh. Các công đoạn, quy trình sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm Hoa Kỳ.

Theo bà Huỳnh Thị Thu Thủy - Founder & CEO HTX chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội, nguồn nguyên liệu hải sản vốn dồi dào nhưng điểm cốt yếu là phải kiên trì chứng minh pháp lý cá nục đánh bắt hợp pháp và đảm bảo chất lượng, sự ổn định của nguồn hàng để xuất khẩu.

“Cái khó là con cá nục thường đánh bắt theo mùa chứ không phải lúc nào cũng có. Nhưng mà thị trường xuất khẩu lại cần mình phải đáp ứng theo đơn hàng ở mọi thời điểm trong năm” – bà Thủy nói.

Một số công ty, HTX ở Quảng Nam khi nhận ra cơ hội từ chế biến sâu thủy sản đã tìm tòi đưa ra các sản phẩm với lợi thế sẵn có của địa phương. Tại Tam Giang (Núi Thành), riêng nghề khai thác mực xà của xã đạt hơn 12 nghìn tấn/năm. Trong khi đó, nếu tính sản lượng chung của toàn huyện Núi Thành thì con số rất lớn nhưng đa phần là xuất thô sang thị trường Trung Quốc.

Nhận thấy điều đó, Công ty TNHH Thương mại và tổng hợp Tâm Lộc (xã Tam Giang) đã tạo 2 sản phẩm là chả mực và mực tẩm ướp gia vị. Công ty này thu mua mực từ ngư dân và sơ chế, xử lý vị đắng, mùi khai, chất mặn và thớ thịt xơ cứng. Sau đó sấy, nướng, cán mỏng, tẩm ướp các loại gia vị thích hợp trước khi đưa đi sấy khô, đóng gói.

Loại mực trên qua chế biến có hương vị đậm đà, vừa cay vừa mặn lại có độ ngọt thơm từ thịt mực. Đi theo hướng sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe đã giúp 2 sản phẩm của công ty tìm được thị trường tại Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, do không sử dụng nhiều chất bảo quản công nghiệp nên hạn sử dụng ngắn và phải đối đầu với các sản phẩm của các công ty thực phẩm lớn khiến việc sản xuất bị hạn chế khi mỗi năm chỉ tiêu thụ được khoảng 6 – 7 tấn mực nguyên liệu.

Ông Trần Công Hận – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và tổng hợp Tâm Lộc nhìn nhận: “Được quan tâm hoặc tư vấn công nghệ chế biến thực phẩm chính là yếu tố cốt lõi để các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể tăng tính cạnh tranh, cho ra được sản phẩm phù hợp hơn. Bởi nguồn tài chính có hạn khiến chúng tôi không thể thuê các chuyên gia trong lĩnh vực này hoặc đủ tiền mua công nghệ. Do đó, hiện tại chúng tôi chỉ chấp nhận sản xuất ở quy mô nhỏ và tự tìm kiếm thị trường trong tỉnh để tiết giảm chi phí vận chuyển, chiết khấu hoa hồng với đại lý”.

Chờ cơ chế kích cầu

Bà Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Ngọc Lan (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết, HTX cần nhất là định hướng và quy hoạch bền vững dựa trên sự phát triển của mỗi vùng trong lĩnh vực kinh tế thủy sản. Thêm nữa là sự hỗ trợ về mặt truyền thông giúp lan tỏa những sản phẩm của địa phương bằng các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả hơn hay những chương trình quảng bá sản phẩm bản địa lồng ghép với du lịch.

“Chúng tôi mong muốn tỉnh có cơ chế riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ khởi nghiệp trong lĩnh vực thủy sản để làm đòn bẫy cho chúng tôi chế biến sâu một cách hiện đại và mở rộng thị trường” – bà Tầm kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam rất quan tâm lĩnh vực này khi thủy sản chiếm 30% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp toàn tỉnh. Tỉnh định hướng là sản xuất tạo giá trị cao, xuất khẩu thay cho bán sản phẩm thô trong tương lai.

Những năm vừa qua, Quảng Nam đã có những bước đi cụ thể bằng việc thực hiện nghiêm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các loại hải sản phải được chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, đầu tư những cảng cá có quy mô đủ lớn... Đồng thời, thông qua các cơ chế, chính sách để lồng ghép hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần cũng như chế biến sản phẩm đóng gói.

Các cơ sở chế biến sản phẩm từ thủy sản cần hỗ trợ về công nghệ thực phẩm và dây chuyền sản xuất hiện đại để mở rộng quy mô. Ảnh: H.Đ

Các cơ sở chế biến sản phẩm từ thủy sản cần hỗ trợ về công nghệ thực phẩm và dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: H.Đ

“Quảng Nam cần có những “con sếu đầu đàn” đầu tư và dẫn dắt để hình thành nên chuỗi cung ứng, sản xuất thủy sản quy mô lớn. Chúng tôi trăn trở với điều này nên luôn tìm cơ hội, mời gọi các nhà đầu tư lớn, uy tín để khi nhận thấy lợi thế về biển của Quảng Nam thì họ đầu tư. Và tỉnh sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt để có các nhà máy, doanh nghiệp quy mô lớn ngành thủy sản hình thành trên đất Quảng Nam” – ông Hồ Quang Bửu nói.

Theo báo Quảng Nam

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục