VASEP nên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu để các thành viên có cơ hội được gặp nhau nhiều hơn

Tôi đã tham gia ngành cá tra hơn 20 năm nên chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của ngành và có nhiều trăn trở cho sự phát triển của ngành. Tôi đánh giá năm nay 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử, vất vả hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19 và đợt khủng hoảng năm 2008. Nên ảnh hưởng của giai đoạn khó khăn này sẽ còn kéo dài. Tăng trưởng trung bình ngành cá tra sụt giảm tới hơn 40%, thậm chí có doanh nghiệp (DN) sụt giảm nhiều hơn nên có thể sẽ có những doanh nghiệp không trụ được.

Chú thích ảnh

Thị trường tiêu thụ sụt giảm

Sau 3 năm đại dịch Covid-19, DN đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, lại cộng thêm chiến tranh Nga- Ukraine gây ra lạm phát toàn cầu. Những thị trường lớn như Anh, Mỹ, EU người dân đều phải thắt chặt chi tiêu. Hành vi tiêu dùng của người dân tại các thị trường tiêu thụ thay đổi lớn. Tiêu thụ tại hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc suy giảm mạnh. Tại thị trường Mỹ, sau khi dịch kết thúc, thực phẩm thiếu, nhập khẩu (NK) cá tra vào thị trường này tăng mạnh mẽ. Sau đó giá giảm xuống cộng với lạm phát nên tiêu thụ ít, tồn kho tăng mạnh. Còn thị trường Trung Quốc mở cửa sau 3 năm đại dịch, DN đều dự đoán nhu cầu thị trường này sẽ bùng nổ nhưng thực tế thì ngược lại. Sau mở cửa, ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra nhiều làn sóng Covid nữa nên người dân e dè khi ra ngoài. Nhu cầu tiêu thụ cá tra giảm. Bên cạnh đó, có thể kể đến lý do một nguồn cung lớn cá rô phi sản xuất nội địa của Trung Quốc không xuất được, họ phải để lại tiêu thụ trong nước.

Giá cá tra sau đại dịch tăng cao hơn nên nhiều thị trường không chấp nhận, đổi sang dùng thực phẩm giá rẻ hơn như thịt gà, thịt lợn để phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn. Thị trường sụt giảm mạnh và nhanh khiến DN không trở tay kịp, tồn kho lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự biến động về giá nhanh nhất của cá tra trong giai đoạn vừa qua có thể kể đến là chuyện siết tín dụng, lãi suất cao. Nhiều DN phải sử dụng tiền vay lớn nên khi nguồn tín dụng không dồi dào dẫn tới áp lực phải bán hàng ra, để cứu dòng tiền. Trong khi lãi suất ngân hàng tăng, chi phí tài chính tăng.

Một nguyên nhân nữa gây ra những khó khăn cho ngành cá tra đó là nhiều nước đang lo lắng về an ninh lương thực. Sau khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina khiến họ ưu tiên chiến lược an ninh lương thực. Đáng chú ý như các nước khu vực Trung Đông đều đã đặt mục tiêu phát triển nuôi trồng, cụ thể như Saudi Arabia. Mấy năm trước họ đã tính đến an ninh lương thực và bảo vệ sản xuất trong nước nên đã cấm nhập cá tra. Tiếp nữa là Kuwait đã có chiến lược cho nuôi cá chẽm, cá mú. Mặc dù giá thành nuôi tại các nước này cao hơn Việt Nam vì thiên nhiên không ưu đãi nhưng do chính sách bảo hộ, người dân của họ vẫn ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa hơn. Indonesia cũng đã nuôi được cá tra với sản lượng lên tới mấy trăm nghìn tấn nên họ cũng không nhập cá tra Việt Nam vì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước.

Kiến nghị Chính phủ rà soát, về thủ tục cái nào bỏ được thì bỏ để các doanh nghiệp cá tra giảm bớt chi phí, có giá thành tốt hơn để đủ sức cạnh tranh ra thế giới.

Thiếu vốn, lãi suất cao trong khi chi phí đầu vào tăng

Xưa nuôi cá tra chi phí không cao vì lợi thế nhiều nhưng hiện tại lợi thế dần mất đi, nên giá thành nuôi cá tra ngày càng tăng. Trước kia giá thành nuôi cá tra không vượt quá 21.000 đồng/kg nhưng sau đợt dịch, chiến tranh khiến chi phí đầu vào đều tăng. Mùa vụ đang thu hoạch giá thành lên tới 28.000-29.000 đồng/ kg.

Có nhiều chương trình giống nhưng đến hiện tại giống chủ yếu mua từ người nông dân, tỉ lệ sống thấp.

Lãi suất ngày càng tăng từ 5-6% trước đây lên 8-9%, thậm chí tới 10% trong khi thời điểm này, DN cần nguồn vốn nhất. Mặc dù hiện lãi suất có giảm nhưng không đáng kể. DN mong nhận được hỗ trợ quyết liệt, thực tế hơn của Chính phủ để có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này.

Đâu là giải pháp để phát triển bền vững ngành cá tra?

Để tháo gỡ được khó khăn cho ngành, Chính phủ nên có chương trình nghiên cứu chuyên sâu để tìm giải pháp nuôi trồng con cá tra này được tốt, để người nuôi và doanh nghiệp giảm giá thành tương đối để có thể XK, cạnh tranh được với các nước khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động vùng nông thôn. Trước đây, người lao động địa phương phải đi nơi khác kiếm việc làm nhưng hiện họ có thể làm ngay tại các nhà máy thủy sản ở địa phương. Con cá tra khu vực ĐBSCL cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ Nhà nước. Bởi vì cá tra đang phải cạnh tranh với các loài cá thịt trắng khác và dần dần không ở vị trí độc quyền nữa khi các nước như Indonesia, Trung Quốc, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Ấn độ cũng đều đang có chiến lược đẩy mạnh nuôi cá tra.

Trước hết, trong phạm vi các DN thuộc Hiệp hội VASEP cần tăng cường sự đồng thuận để có được mức giá bán hợp lý so với công sức bỏ ra. VASEP cần truyền thông điệp như thế nào đó để DN và người dân phải có cái nhìn đúng đắn và đồng thuận về vấn đề này.

Về mặt thị trường, VASEP hỗ trợ giúp đẩy mạnh các thị trường đã từng có. Ví dụ, thị trường Châu Âu là thị trường nhập khẩu mạnh năm 2006-2007 với kim ngạch lên tới 400-500 triệu USD nhưng bây giờ có thời điểm giảm xuống còn hơn 100 triệu USD, hiện loanh quanh ở mức 200 triệu USD. Mong Chính phủ trong quá trình ngoại giao có đề cập tới thị trường này để có thể phục hồi trở lại như trước đây. Thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa vì cá tra Việt Nam phổ biến ở Trung Quốc và phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc. Trung Quốc có thể chế biến ra hàng trăm món ăn ngon từ con cá tra. Là thị trường hơn 1 tỷ dân trong khi kim ngạch NK cá tra Việt Nam hiện tại chỉ 400-500 triệu USD là chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường này. Thị trường Mỹ, có ít DN bán được hàng sang do điều kiện đặc thù thị trường và thuế chống bán phá giá (CBPG) nhưng Chính phủ và Hiệp hội cũng nên quan tâm hơn việc tháo gỡ vấn đề thuế đã tồn tại hơn 20 năm. Tiếp nữa, cũng nên có giải pháp tháo gỡ lệnh hạn chế NK cá tra từ thị trường Saudi Arabia khi mà thị trường này đã mở cửa nhập cá biển.

VASEP nên tạo cơ hội để các thành viên được giao lưu nhiều hơn

Kỷ niệm 25 năm VASEP là một dấu mốc quan trọng. Tôi có nhiều ấn tượng tuyệt vời với VASEP, ngày đầu tiên tham gia, tôi cảm nhận được sự chuyên nghiệp nhưng cũng rất thân tình, gần gũi. Hồi 2005-2006, tôi cảm ơn VASEP khi DN của tôi mới giai đoạn đầu “chân ướt chân ráo” bước chân vào ngành, chưa có kinh nghiệm, bên cạnh nỗ lực của DN và được VASEP dẫn dắt để mở thị trường. VASEP có nhiều chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả để DN phát triển từ khi non nớt đến khi trưởng thành. Cho tới hiện tại, VASEP là một trong những Hiệp hội chuyên nghiệp nhất và có những hoạt động thiết thực từ xúc tiến thị trường đến vận động chính sách để hỗ trợ DN và ngành hàng.

Về ý kiến đóng góp để Hiệp hội hoạt động tốt hơn, tôi thấy VASEP nên có thêm hoạt động để các DN thành viên có điều kiện gặp nhau giao lưu nhiều hơn, để các thành viên trong Hiệp hội được gần gũi hơn, thân thiết hơn và vui vẻ hơn. Bên cạnh đó, VASEP cũng nên tăng cường vai trò của Hiệp hội trong phản biện các hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng. Để làm được việc này, cần có kế hoạch cụ thể. Mặc dù khó thực hiện nhưng nếu làm được, vai trò của Hiệp hội sẽ được nâng cao hơn nhiều.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục