Vẫn nhiều nhà máy thủy sản gặp khó khăn với “3 tại chỗ”

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD - Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 9/2021, trong 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ có 449 nhà máy thủy sản xuất khẩu, trong đó số cơ sở ngừng sản xuất là 176, chiếm 39%. Tỉnh Hậu Giang có 12 nhà máy thì có 5 tạm ngừng hoạt động, chiếm 42%.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Nam bộ chiếm 70-75% giá trị kim ngạch toàn quốc, là đầu ra và động lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh toàn chuỗi; là lĩnh vực có số lượng lao động lớn của ngành. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến xuất khẩu gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội phục vụ chống dịch. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn bị buộc phải cách ly, phong tỏa; do lo ngại khả năng lây nhiễm Covid-19 cao; không đáp ứng điều kiện, yêu cầu cho 3 tại chỗ, 2 tại chỗ (3T/2T) hoặc 1 cung đường 2 điểm đến; ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh; ngừng do doanh nghiệp nằm trong khu vực phong tỏa của địa phương; thiếu lao động tham gia sản xuất, thiếu nguyên liệu trong tình hình dịch bệnh; thủ tục thay đổi ca cho lao động ra, vào nhà máy quá phức tạp nên không chủ động được kế hoạch hoạt động sản xuất.

Các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng mô hình 3 tại chỗ là về gánh nặng tài chính, không đủ cơ sở vật chất, về tâm lý công nhân và lực lượng lao động, rủi ro trách nhiệm, pháp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp khi thực hiện 3 tại chỗ. Ngoài ra, khó khăn về nguyên liệu, mùa vụ thu hoạch. Đặc biệt doanh nghiệp không đi mua được nguồn nguyên liệu để sản xuất nên không có hàng để xuất khẩu. Khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác ngưng hoạt động. Thiếu hụt nguyên liệu đánh bắt. Giãn cách lâu và đứt đoạn logistics làm người dân không thể thu hoạch và ngừng thả giống nên dự kiến cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu. Việc thu hoạch nguyên liệu cá thương phẩm trong giai đoạn giãn cách rất khó khăn khi huy động lực lượng công đoàn để thực hiện thu hoạch cá. Đối với lực lượng công đoàn thực hiện thu hoạch của vùng nuôi ngoài tỉnh, về đều bị địa phương cách ly tập trung hoặc tại nhà 14 ngày.

Khó khăn trong bảo quản, vận chuyển, lưu thông, đặc biệt là nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất không đến được nhà máy vì vướng vùng phong tỏa, “vùng xanh” trên đường di chuyển. Các nguyên vật liệu khác phải nhập ở các tỉnh khác như Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh,... nhưng do dịch bệnh và cơ chế mỗi tỉnh khác nhau làm ách tắc và khó khăn trong công tác giao nhận hàng hóa. Nguyên vật liệu phải di chuyển qua các tỉnh khác nhau gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa bị kẹt ở chốt, gây chậm trễ trong sản xuất, phát sinh chi phí.

Một số thị trường, trong đó có Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng đông lạnh (bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm); xét nghiệm Covid đối với sản phẩm, bao bì nhập khẩu...; số lô hàng bị cảnh báo gia tăng. Nước nhập khẩu không thực hiện thanh tra thực tế dẫn đến chậm bổ sung cơ sở vào Danh sách được phép xuất khẩu hoặc giải quyết vướng mắc. Nhiều nước tăng cường kiểm tra các chỉ tiêu bệnh, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; một số nước áp dụng các chuẩn mực riêng...

Theo Trung tâm Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản vùng 6 - Cần Thơ, có 19 nhà máy chế biến thủy sản đăng ký hoạt động xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang.

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và không đáp ứng điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, có 6 nhà máy chế biến thủy sản đã tạm ngưng hoạt động sản xuất (chiếm 19%).

(Theo báo Hậu Giang, báo An Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục