Sau hơn 10 năm công tác, ông Lê Văn Cảnh được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc IDI từ ngày 15/5/2023 với thời hạn 5 năm.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (HoSE: IDI) vừa công bố thông tin về việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới. Theo đó, ông Lê Văn Cảnh - Phó Tổng Giám đốc công ty sẽ giữ vị trí Tổng Giám đốc từ ngày 15/5 với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Thông tin thêm về lãnh đạo mới của IDI, ông Lê Văn Cảnh sinh năm 1975, là cử nhân kỹ sư xây dựng. Vị tân Tổng Giám đốc này gia nhập thuỷ sản IDI vào năm 2010. Trước đó, ông Cảnh từng công tác tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (công ty mẹ của IDI).
Bên cạnh đó, công ty đồng thời miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Lê Văn Chung từ ngày 15/5. Vị này cũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT vào cuối tháng 3 vừa qua.
Về tình hình kinh doanh của công ty, quý I/2023 với doanh thu thuần của IDI đạt 1.762 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ.
Theo đó, mảng chủ lực cá tra mặc dù giảm nhẹ nhưng vẫn đóng góp lớn nhất cho cơ cấu doanh thu của IDI với 809 tỷ đồng, tương đương 45%. Đứng sau đó là doanh thu từ bột cá, mỡ cá với 664 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, quý này công ty không ghi nhận doanh thu từ kinh doanh hàng hoá bất động sản.
Ngoài ra, doanh thu từ bán hàng hoá, thức ăn chăn nuôi trong quý đạt 273 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ quý I/2022. Tuy nhiên do kinh doanh dưới giá vốn nên mặt hàng này chưa đem lại lợi nhuận trong quý đầu năm 2023 của công ty. Sau thuế, lợi nhuận của IDI đạt 17,5 tỷ đồng.
Năm 2023, IDI đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 8.133 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, IDI đã hoàn thành 21,6% chỉ tiêu doanh thu và 9% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Thông tin về diễn biến thị trường thuỷ sản, theo Hiệp hội Chế và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng giảm theo.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết quý I, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%; xuất khẩu cá tra thu về 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ; và xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, chỉ được 179 triệu USD.
Theo An ninh Tiền tệ