Trong tháng 8, Nam Việt sẽ xuất khẩu 5 container cá tra sang Mỹ với giá xuất khẩu 5 USD/kg. Việc xuất khẩu sang Mỹ có thể giúp Nam Việt duy trì giá bán bình quân 2,8 USD/kg và biên lợi nhuận gộp 25% trong nửa cuối năm.
Thủy sản Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) là bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế chống bán phá giá cá tra 0% vào Mỹ trong đợt rà soát POR16. Tuy nhiên, lâu nay doanh nghiệp chưa tận dụng điểm này để xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.
SSI Research cho biết trong tháng 8, Nam Việt sẽ xuất khẩu 5 container cá tra sang Mỹ với giá xuất khẩu 5 USD/kg (bằng mức giá xuất khẩu của Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) và cao hơn giá bán bình quân trong nửa đầu năm của doanh nghiệp là 2,9 USD/kg). Doanh nghiệp đặt mục tiêu dài hạn chiếm 10% thị phần nhập khẩu cá tra của Mỹ.
Theo ước tính của SSI Research, thị trường Mỹ sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 9% doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của doanh nghiệp thủy sản. Sang năm 2023, thị trường này có thể chiếm tới 16% doanh thu hàng tháng của ANV.
Song, tồn kho cá tại Mỹ đang ở mức cao và nhu cầu thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng lạm phát, giá cá tra tại đây có thể đã đạt đỉnh vào quý II. Đồng thời, chi phí vận chuyển sang thị trường này khá cao, tỷ lệ chi phí vận chuyển trên doanh thu gần 7% trong khi trước dịch bệnh Covid-19 chỉ khoảng 1%.
Bên cạnh Mỹ, ANV cũng đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn thúc đẩy nhu cầu cá tra tăng nhanh.
Trong tháng 7, giá cá tra phi lê tại thị trường Mỹ ở mức 4,3 - 5,6 USD/kg, trong khi giá tại thị trường Trung Quốc thấp hơn, dao động trong khoảng 2,5 - 2,9 USD/kg. Vào đầu tháng 8, doanh nghiệp đã ký đơn đặt hàng xuất khẩu 1.000 container cho giai đoạn cuối năm (tương đương 82% số container được vận chuyển trong 6 tháng đầu năm. Việc giá bán cá vẫn ở mức cao và xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ giữ giá bán bình quân của Nam Việt cả năm 2022 ở mức 2,8 USD/kg và tỷ suất lợi nhuận gộp 25%. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 26% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm và 15% so với cùng kỳ trong năm 2023 (nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc).
Về năng lực sản xuất, vùng nuôi Bình Phú mang lại cho doanh nghiệp lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu giá thành thấp. Công ty hiện sở hữu vùng nuôi 250 ha và vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú 600 ha (tăng 240% năng lực sản xuất). Vùng nuôi này cũng sẽ cung ứng cho việc tăng trưởng sản lượng bán hàng của công ty. Từ năm sau, ANV sẽ tăng tỷ lệ huy động tại trang trại Bình Phú, điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Tại vùng nuôi Bình Phú, việc áp dụng công nghệ giúp cắt giảm khoảng 30% chi phí nhân công, tương đương với tiết kiệm 5 – 10% chi phí nguyên liệu đầu vào so với các hộ nông dân kinh doanh bên ngoài.
Nhà máy Gelatin & Collagen (giai đoạn 1) dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất vào tháng 8 và sẽ được Amicogen hỗ trợ tiêu thụ 100% sản phẩm. Nhà máy nếu hoạt động 100% công suất kể từ giai đoạn 1, SSI Research kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận của mảng này đóng góp lần lượt 16% và 2% kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Thủy sản Nam Việt.
Với những yếu tố trên, Bộ phân phân tích của Chứng khoán SSI nhận định kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của ANV dự kiến sẽ tiếp tục leo đỉnh.
Trong quý II, doanh nghiệp công bố doanh thu tăng 21% đạt 1.295 tỷ đồng, lãi ròng 241 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa năm, doanh thu tăng 41% và lợi nhuận gấp 4 lần lên lần lượt 2.514 tỷ và 447 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận mức tăng mạnh cả về giá bán bình quân (38%) và sản lượng tiêu thụ (15%) so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm.
Mỹ Hạnh (Theo Báo Ndh.vn)