Để chế biến một kí lô gam cá tra và tôm, bình quân các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này phải sử dụng trên 1,5 kWh điện, thậm chí có đơn vị phải sử dụng đến trên 3 kWh. Đây là mức tiêu hao năng lượng khá cao, bởi ngành này có thể tiết kiệm được 20% so với mức bình quân hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng kỹ thuật và ứng dụng của Trung tâm tiết kiệm năng lượng Cần Thơ tại hội thảo “Giải pháp công nghệ và tài chính trong ngành nuôi trồng và chế biến tôm” tổ chức tại địa phương này vào hôm 13-6, dẫn số liệu ghi nhận tại 26 doanh nghiệp chế biến thủy sản (gồm 20 doanh nghiệp chế biến cá tra và 6 doanh nghiệp chế biến tôm) trên địa bàn Cần Thơ nói rằng mức tiêu thụ năng lượng bình quân để sản xuất một kí lô gam cá tra là 1,55 kWh; trong khi đó, mức tiêu thụ năng lượng bình quân để sản xuất một kí lô gam tôm là 1,53 kWh.
Theo ông Tùng, có doanh nghiệp được ghi nhận tiêu thụ chưa đến 1 kWh điện để sản xuất ra một kí lô gam tôm và cá tra. Nhưng, cũng có doanh nghiệp tiêu thụ đến trên 3 kWh điện để sản xuất một kí lô gam tôm và cá tra.
Ông Tùng nói rằng tiêu thụ năng lượng điện trong ngành thủy sản như hiện nay là khá cao và điều này phụ thuộc vào công nghệ, cách thức vận hành và quy trình sản xuất. “Các doanh nghiệp đang tiêu thụ năng lượng ở mức cao vẫn có thể giảm xuống được”, ông nói.
Trong một công bố của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát 21 nhà máy chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho thấy chỉ có 40% trong số này quan tâm đến tiết kiệm năng lượng.
Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC HCMC) nêu ra tại hội thảo, ngành chế biến thực phẩm có thể tiết kiệm được 20% năng lượng so với mức tiêu thụ trung bình hiện nay (cá tra là 1,55 kWh và tôm là 1,53 kWh). Thế nhưng, với điều kiện doanh nghiệp ngành này phải chuyển sang sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng ở những khâu đang tiêu hao nhiều năng lượng.
Cụ thể, ECC HCMC cho biết đối với giải pháp chiếu sáng, việc thay đèn T8 bằng đèn Led 18W có thể giúp tiết kiệm 60-65% năng lượng; thay đèn compact bằng đèn Led downlight có thể giúp tiết kiệm 50-55% năng lượng...
Hay với giải pháp hệ thống lạnh, việc thay thế hệ thống lạnh hiệu suất thấp sang hệ thống lạnh hiệu suất cao có thể giúp tiết kiệm 10-30% năng lượng. Còn với giải pháp điều hòa không khí, việc thay thế điều hòa không khí hiệu suất thấp sang điều hòa không khí inverter giúp tiết kiệm 30-40% điện năng tiêu thụ, theo ECC HCMC.
Đánh giá của các địa biểu tại hội thảo, cho biết trong bối cảnh ngành thủy sản, đặc biệt là với ngành tôm đang chịu cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu, thì việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng để giảm giá thành là điều hết sức cần thiết nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
(Theo TBKTSG)