Nâng cao chất lượng cá tra để xuất khẩu

“Nâng cao chất lượng cá tra để xuất khẩu là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi hơn 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng này không vượt qua 1,8 tỷ USD/năm, trong khi đây là sản phẩm Việt Nam đang giữ vị thế số 1. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta phải có con giống khỏe, tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm file không vượt quá 20%...” - ông Trần Công Lập, ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) đề xuất.

Con giống khỏe

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành cá tra trong gần 20 năm qua cho thấy, ngành này đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung. Kim ngạch xuất khẩu cá tra những năm gần đây đạt mức 1,76 - 1,8 tỷ USD/năm, giải quyết cho trên 100 ngàn lao động của toàn vùng có việc làm ổn định. Giai đoạn 2002 - 2008 là thời điểm ngành cá tra tăng trưởng nóng, thị trường được mở ra một cách nhanh chóng, từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2002), đã tăng lên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh đó, vì ham lời, một số cơ sở ương nuôi cá tra giống trong vùng đã cho ra đời những mẻ cá kém chất lượng, dẫn đến tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi từ cá bột lên cá thịt ở mức 40 - 50%. “Muốn có con giống khỏe thì cá bố mẹ phải khỏe. Người sản xuất giống phải chọn lựa những con cá vượt trội. Cá được nuôi trong môi trường đầy đủ dinh dưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sinh sản nhân tạo, lúc đó cộng đồng mới có được con giống khỏe. Ngành cá nhiều năm qua có nhiều thăng trầm, các cơ sở ương nuôi lỗ nặng nên cá bố mẹ bị bỏ phế. Hậu quả, khi cá tra thịt có giá, chủ trại ương giống bắt con cá bố mẹ “ốm yếu” mang đi cho đẻ thì làm sao cộng đồng có được con giống khỏe…”- ông Trần Văn Hoàng, chủ Cơ sở sản xuất cá tra giống ST, xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), thông tin.

Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đồng ý cho An Giang triển khai chương trình giống 3 cấp và ngày 11-5 vừa qua, Chi hội Sản xuất cá giống AFA ra đời. “Chi hội ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh sản xuất con giống khỏe để đưa ra cộng đồng, giúp ngành cá phát triển mang tính ổn định và bền vững. Chi hội ra đời thực hiện mục tiêu xây dựng vùng sản xuất cá tra giống tập trung, cung cấp con giống với số lượng lớn, đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường…” - ông Phan Văn Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), chia sẻ.

Ngay sau khi ra đời, chi hội đã ký hợp đồng liên kết 4 bên, gồm: Chi hội sản xuất cá giống AFA, Công ty Việt Thắng, Công ty Agifish, Trung tâm Giống thủy sản An Giang. Theo đó, đầu ra của con giống sẽ được Công ty Agifish bao tiêu. Công ty Việt Thắng cung cấp thức ăn. Cá tra bột sẽ do Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cung cấp. Đây là tiền đề để cộng đồng có con giống khỏe, tiếp tục đưa khoa học kỹ thuật vào ngành cá tra nhằm hạ thấp giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tỷ lệ mạ băng thấp

“Ngành cá tra, nếu chỉ dừng lại ở chương trình giống 3 cấp là chưa đủ mà phải được tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng trong khâu nuôi thịt và chế biến xuất khẩu. Muốn vậy, trong quá trình nuôi, ngư dân tuyệt đối không dùng kháng sinh cấm. Trong chế biến xuất khẩu, tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong miếng file phải ở mức độ vừa phải, để khi người tiêu dùng rã đông, miếng file vẫn còn giữ được chất lượng thơm ngon của nó…” - ông Nguyễn Văn Toàn, ngư dân xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), kiến nghị.

Như vậy, sau gần 3 năm tranh luận về tỷ lệ mạ băng trong sản phẩm cá tra file đông lạnh xuất khẩu giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản và cơ quan quản lý chuyên ngành, vấn đề tỷ lệ mạ băng đã được khép lại bằng việc Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 07 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - cá tra file đông lạnh. Theo đó, tỷ lệ mạ băng cá tra file không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm, hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm và thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-5-2017. “Ngư dân chúng tôi rất hoan nghênh việc ban hành Thông tư 07, bởi điều này thể hiện sự quyết tâm của ngành trong việc lập lại trật tự trong nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Cần loại ra khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp làm ăn cẩu thả để đưa ngành cá trở về với quỹ đạo của nó…” - bà Nguyễn Thị Hạnh, ngư dân ở TP. Châu Đốc, bức xúc.

Nâng cao chất lượng cá tra để đẩy mạnh xuất khẩu là con đường “ngắn nhất” để ngành cá phát triển trở lại. Bên cạnh đó, Nhà nước cần làm tốt hơn nữa vai trò dự báo thị trường, quản lý quy hoạch; đẩy mạnh liên kết dọc lẫn liên kết ngang thông qua con đường làm ăn hợp tác. Tiếp tục ban hành các quy chuẩn để doanh nghiệp và ngư dân làm theo.

Báo An Giang

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục