Khai thác mảng hàng tiêu dùng nhanh và tham vọng thị trường trong nước của Vĩnh Hoàn

Bên cạnh động thái M&A Sa Giang, lập thêm công ty chế biến nước ép trái cây thì SSI Research còn tiết lộ một dự án FMCG 500 tỷ đồng của Vĩnh Hoàn và kế hoạch ra mắt 14 sản phẩm mới đánh vào thị trường trong nước thông qua kênh phân phối của Sa Giang.
Khai thác mảng hàng tiêu dùng nhanh và tham vọng thị trường trong nước của Vĩnh Hoàn
Ảnh minh họa

Hướng tới khai thác hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và phát triển thị trường trong nước  

Ngoài cá tra, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đang cho thấy tham vọng lớn ở lĩnh vực khai thác các hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và phát triển thị trường trong nước qua thương vụ M&A CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) và thành lập Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc (TNG Food).

TNG Food do Vĩnh Hoàn sở hữu 70% vốn điều lệ và Vĩnh Hoàn dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% trong ngắn hạn. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là chế biến nước ép trái cây và trái cây sấy khô - chủ yếu là thanh long để xuất khẩu (không cần đóng gói), cũng như phân phối cho các nhà hàng và siêu thị.

Báo cáo phân tích mới đây nhất của SSI Research tiết lộ 3 ha đất canh tác (gần nhà xưởng Vĩnh Hoàn Vĩnh Phước) sẽ được sử dụng trong khi nhà máy đang được xây dựng. 

Ban lãnh đạo cho rằng nếu hoạt động kinh doanh này thuận lợi, TNG Food có thể mua lại đất canh tác tại các tỉnh Long An và/hoặc Đồng Tháp. 

Vĩnh Hoàn kỳ vọng TNG Food sẽ đạt điểm hòa vốn trong vòng ba năm, không ảnh hưởng lớn đến tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong năm 2021. Thông tin chi tiết sẽ được công bố tại Đại hội đồng cổ đông năm nay.

Một dự án FMCG khác với vốn đầu tư 500 tỷ đồng được SSI Research cho biết dự kiến sẽ triển khai trong năm 2021 nhưng hiện chưa có thông tin cụ thể. 

Với thị trường trong nước, SSI Research thông tin Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ cho ra mắt 14 sản phẩm mới với thương hiệu mới là “Basa Master” dành cho các chuỗi siêu thị trong nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Với việc mua lại Sa Giang, SSI Research nhận định Vĩnh Hoàn có thể tận dụng các kênh phân phối hiện có của Sa Giang để phân phối các sản phẩm cá tra trên thị trường xuất khẩu; cũng như các sản phẩm mới “Basa Master” có giá trị hơn tại các kênh bán hàng trong nước của đơn vị này, phù hợp với kế hoạch phát triển thị trường trong nước của công ty. 

SSI Research cho rằng việc thành lập TNG Food cũng khá rủi ro, vì TNG Food khá khác biệt so với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vĩnh Hoàn, chưa kể đến việc Vĩnh Hoàn bắt đầu làm từ đầu. 

Nhu cầu cá tra ở các thị trường xuất khẩu chính có thể cải thiện từ nửa cuối năm nay

Tiếp tục thiếu hụt container vận chuyển, chi phí vận tải gia tăng và nhu cầu phục hồi yếu do dịch COVID-19 là những rủi ro chính đối với Vĩnh Hoàn trong quý I/2021. 

Theo VASEP, giá cước vận chuyển container sang EU tăng từ 145% đến 276%, giá cước vận chuyển sang Mỹ tăng từ 14% đến 20% chỉ trong tháng 1/2021. 

Xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn tăng 30% so với cùng kỳ trong tháng 1/2021 (cao hơn mức tăng của toàn ngành là 22% so với cùng kỳ) do tháng 1/2020 rơi vào kỳ nghỉ Tết. VASEP cũng ước tính xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 2/2021 giảm 17% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, SSI Research kỳ vọng nhu cầu đối với cá tra ở các thị trường xuất khẩu chính sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2021 nếu vắc xin COVID-19 có hiệu lực tại các thị trường này.

Công suất bổ sung cho dây chuyền sản xuất mảng wellness (sản phẩm chăm sóc sức khoẻ) có thể sẽ được sử dụng vào thời điểm đó để gia tăng tăng trưởng doanh thu và nâng cao tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể.

Năm 2021, SSI Research ước tính doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn ước đạt 8.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 946,2 tỷ đồng; tăng lần lượt 23,8% và 34,2% so với năm 2020. Dự phóng này không tính đến thu nhập bất thường có thể có từ hoạt động mua bán cổ phiếu trong năm 2021.

Đối với cá tra phi lê, ước tính doanh thu thuần tăng 30%, nhờ mức tăng 15% ở cả giá bán bình quân và sản lượng so với mức thấp trong năm 2020. 

Đối với sản phẩm wellness, SSI Research ước tính doanh thu thuần tăng 46% so với năm trước, với công suất hoạt động đạt 65% tổng công suất (3.500 tấn). 

Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng wellness có thể cải thiện nhẹ, do đơn vị này ước tính Vĩnh Hoàn có thể tăng nhẹ doanh số bán các sản phẩm cao cấp mới (nano-collagen và tripeptide). Tỷ suất lợi nhuận gộp có thể tăng lên 16% (2020 là 14,8%). 

ANV quay lại thị trường Mỹ là mối lo ngại với Vĩnh Hoàn

Liên quan tới kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cá tra POR16, có thể thay đổi khi nhận được kết quả cuối cùng, SSI Research dự kiến sẽ được công bố trước tháng 4/2021. 

Sau khi hết thời hạn miễn giảm thuế chống bán phá giá do Mỹ áp đặt (kể từ năm 2014), Vĩnh Hoàn có thể phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 0,09 USD/kg. 

Mặc dù mức này vẫn thấp hơn nhiều so với các đối thủ trong nước khác (2,39 USD/kg), nhưng việc CTCP Nam Việt (Mã: ANV) quay trở lại thị trường Mỹ vẫn là mối lo ngại đối với Vĩnh Hoàn do mức độ cạnh tranh ở thị trường này ngày càng cao (hiện tại chiếm tỷ trọng 32% trong tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn).

Điều này có thể khiến giá bán bình quân giảm hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện tại. 

(Theo Vietnambiz)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục