Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước những khó khăn từ các thị trường chính, trong năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên quan tâm đến thị trường châu Á và tập trung khai thác thị trường trong nước thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến...
Năm 2017 được nhiều chuyên gia dự báo là khá khả quan đối với ngành cá tra Việt Nam với nhu cầu rất lớn từ thị trường Trung Quốc khi những dấu hiệu tốt từ các nhà nhập khẩu cho thấy, thị trường này năm nay sẽ có thể vượt Mỹ thành nước nhập khẩu cá tra lớn nhất từ Việt Nam. Trong năm 2016, Trung Quốc đã trở thành thị trường mới của cá tra Việt Nam khi tăng trưởng đến 90% so với năm 2015.
Năm 2017, thị trường Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Thị trường EU có dấu hiệu chững lại do mặt hàng này đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi cá thịt trắng Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi... từ các nước khác.
Mỹ là thị trường tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tốt trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam, tuy nhiên thị trường này đang gặp khó khăn với thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Nhiều doanh nghiệp phải chịu mức thuế 0,36 USD/kg đến 0,6 USD/kg. Với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam. Từ tháng 9.2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các tài liệu chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.
Trước đây, Mỹ xét tiêu chuẩn FSIS cho thịt lợn và thịt gia cầm xuất vào Mỹ cho các quốc gia châu Á. Nhưng đến nay, chưa có một quốc gia châu Á nào đạt được chứng nhận tương đồng. Quy định này cho thấy đây là một khó khăn và thách thức trực tiếp cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới.
Trước những khó khăn từ các thị trường chính, các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thủy sản khuyến cáo trong năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỉ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN... Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, cá tra có mức giá phù hợp với người dân và người dân nước này hiện không an tâm với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), định hướng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2017 vẫn chiếm khoảng 20% của toàn ngành. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao thay vì tập trung vào sản lượng. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, thị trường, giá cả, rào cản thương mại... trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra phải thay đổi cách thức và phương thức kinh doanh, phải xây dựng được các sản phẩm tốt nhất, sạch nhất, giá cả hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam, người nuôi cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của vùng nuôi theo hướng bền vững gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã, hướng đến quy trình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGap, GobalGap.
Các doanh nghiệp cũng cần tập trung khai thác thị trường trong nước với 92 triệu dân thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến...
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao đang có xu hướng quay về với người tiêu dùng trong nước. Mỗi năm có khoảng 400.000 tấn sản phẩm, trị giá 15.000 tỉ đồng với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú được tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối trong nước. Với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các mặt hàng thủy sản sẽ tiếp tục được người tiêu dùng quan tâm, sử dụng.
Tuy nhiên, theo bà Loan, hiện nay thủy sản đông lạnh tại thị trường nội địa còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Nguyên nhân được đưa ra do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống, chi phí sản xuất, vận chuyển, bảo quản, quảng bá cao làm giá thành khó cạnh tranh, giá bán thấp hơn giá xuất khẩu.
(Theo Một thế giới)