Với nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ, EU, Trung Quốc bật tăng do kiểm soát được đại dịch thêm nguồn cung thiếu hụt, Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh phải thốt lên rằng năm 2022 sẽ "rất vi diệu" giúp toàn ngành đều có lời.
Chia sẻ bên lề tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra sáng 19/4, Tổng Giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết hiện giá cá tra đã tăng và còn tiếp tục lên từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, chi phí nuôi (thức ăn cho cá, giá bao bì,...) cũng sẽ leo thang.
Đơn hàng của Vĩnh Hoàn đã ký tới quý III
Hiện giá bán của VHC cũng đã tăng rất đều. Bà Tâm cho biết các đơn hàng đã ký tới quý III, một số đơn hàng ký nguyên năm. Do đó chi phí nuôi là yếu tố quyết định, và VHC làm sao kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào để tối ưu hóa được biên lợi nhuận.
Kết quả ba tháng đầu năm, VHC đã ghi nhận tổng doanh thu xuất khẩu tăng 80%, đạt 3.225 tỷ đồng. Mức lợi nhuận cũng được tiết lộ tại ĐHĐCĐ là trên 540 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Cho các quý sau, với giá cá tra dự kiến tiếp tục tăng thì kết quả của VHC sẽ khá tốt, lãnh đạo VHC chia sẻ.
Bà Tâm cũng nói thêm, sản lượng cá tra của VHC xuất khẩu sang các thị trường tính chung năm nay sẽ tăng khoảng 25% trở lên. Con số này chưa tính tới Trung Quốc mở cửa trở lại. Vị lãnh đạo cho biết những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chưa nóng, "cứ bình bình, một phần vì họ đang chờ giá bán xuống trở lại". Bà Tâm đánh giá phía Trung Quốc cũng sắp hết hàng tồn kho rồi nên sẽ sớm chấp nhận nhập khẩu với giá bán hiện tại.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), do các hệ lụy từ COVID-19 nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá tra diễn ra ngay từ đầu năm 2022. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng là yếu tố khiến giá cá tra nguyên liệu bị đẩy lên cao. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng hơn 25% so với cuối năm 2021, và chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đồng/kg. Một số nơi thậm chí có giá cao hơn.
Nhìn chung, ngành cá tra đang hồi sinh mạnh mẽ. Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đến hết quý I/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Nói kỹ hơn về giá bán cá tra, Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh chia sẻ, công ty cũng như các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đang lo sợ về sập giá như năm 2019.Thời điểm đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh, chất lượng con giống giảm sút, Việt Nam mất thế độc quyền trên thị trường thế giới.
Trong đại dịch vừa rồi, phía VHC cũng đã nâng giá nguyên liệu lên và cố gắng giữ nó để không bị sập như hồi 2019.
Công ty cũng thương thảo với nhà nhập khẩu là nếu không mua bây giờ thì các nhà máy chế biến cũng sẽ tích trữ bỏ kho. Hiện thế giới không dự trữ nhiều cá do dịch bệnh COVID-19. Điều này dễ dàng đẩy giá cá tra tăng cao nữa khi nhu cầu đã và đang hồi phục trở lại.
Bà nhận năm định năm ngoái và năm nay sẽ rất vi diệu. "Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn và điều này làm toàn ngành đều có lời", nữ hoàng cá tra hào hứng nói.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản mục tiêu lãi đậm năm 2022
Thực tế, nhiều doanh nghiệp thủy sản nói chung và các công ty xuất khẩu cá tra nói riêng đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng trưởng hai chữ số.
Doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cá tra như Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng, lãi 1.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 44% và tăng 46% so với năm 2021.
Đối thủ cạnh tranh là CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và tăng 4,8 lần so với thực hiện năm 2021.
Còn CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (Mã: IDI) mục tiêu đem về 8.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% và 900 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, gấp 6,6 lần so với năm trước. Công ty mẹ của IDI là CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) cũng đề ra mục tiêu cao với doanh thu 14.700 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm ngoái.
Phương Linh
(Theo vietnambiz.vn)