Chân dung “Nữ hoàng” cá tra Trương Thị Lệ Khanh tìm đường đi mới cho ngành thủy sản Việt

Nói về nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh người ta sẽ không ngần ngại đặt cho bà danh xưng "Nữ hoàng cá tra" với khát vọng đưa Vĩnh Hoàn ra khơi và tồn tại, phát triển mãi mãi.
Chân dung “Nữ hoàng” cá tra Trương Thị Lệ Khanh tìm đường đi mới cho ngành thủy sản Việt
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, sinh năm 1961, một người con vùng đất An Giang, là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, bà Lệ Khanh đã được giao nhiều trọng trách lớn trong các công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại.

Cụ thể, năm 23 tuổi, bà đã được bổ nhiệm vào sở Tài chính tỉnh An Giang; chỉ 2 năm sau, bà đã trở thành kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Ở tuổi 25, bà Khanh giữ chức Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Năm 30 tuổi, bà đảm nhiệm vai trò Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang. 5 năm sau đó, bà đã trở thành trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty FIDECO. Đây là những bước đệm để bà tiến tới xây dựng Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn).

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được thành lập cuối năm 1997 tại phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Công ty tập trung xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.

Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cho biết: "vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”.

Bà giải thích tên công ty: “Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”.

Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh. Với số vốn ban đầu chỉ có 70 triệu với 70 công nhân công việc làm ăn lúc đó cũng luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu. Nhờ việc am hiểu các hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài.

Năm 2007, Vĩnh Hoàn chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và lên sàn cuối năm đó. Hiện tại, Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch quanh mức 40.000 đồng/cp, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, và là người giàu thứ 17 trên sàn chứng khoán.

Ngày Vĩnh Hoàn ra đời, gặp được thiên thời địa lợi nên đã có một sự khởi đầu rất tốt và kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Từ một doanh nghiệp mới và đơn sơ, Vĩnh Hoàn đã khẳng định được vị thế của mình.  

Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes.
Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes..

Trong suốt thời gian 2006-2008, Vĩnh Hoàn dưới sự lãnh đạo của bà Khanh đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu cá tra, cá basa. Năm 2009, doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ 2 và dẫn đầu kể từ năm 2010 đến nay.

Không dừng ở xuất khẩu cá tra, bà còn đưa công ty chuyển sang kinh doanh nhiều sản phẩm khác có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính với nhiều dự án về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo, collagen với sự ra đời của hàng loạt công ty con. 

Có thể nói từ một xưởng sản xuất nhỏ vào năm 1997, đến nay công ty cổ phần đã trở thành công ty phát triển vượt bậc trong ngành thủy sản bằng mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng và sản xuất xuất khẩu.

Mới đây vào tháng 5/2016, bà đã chuyển giao vị trí Tồng giám đốc của công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho lớp thế hệ trẻ là bà Nguyễn Ngô Vi Tâm.

Năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận sự thành công vượt trội của mảng kinh doanh collagen với lợi nhuận sau thuế vượt qua con số kế hoạch 180 tỷ đồng và doanh số tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 550 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cao công suất nhà máy collagen thêm 75%, đạt 3.500 tấn thành phẩm trong năm 2020.

Báo cáo tài chính bán niên 2020 xuất hiện khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán gần 194 tỷ đồng, bên cạnh khoản tiền gửi dồi dào hơn 1.530 tỷ đồng. Việc này thể hiện Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khá lớn. 

Tính đến ngày 30/6/2020, Vĩnh Hoàn có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng và tài sản trên 6.600 tỷ đồng. VHC đang thực hiện chiến lược đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị.

(Theo DN Hội nhập)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục