“Một chỉ đạo nhưng mỗi nơi hiểu và làm một kiểu"

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, mặc dù rất nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, của từng bộ mà đây đó vẫn có chuyện này chuyện kia, làm cho việc vận hành có gì đó trục trặc.

Cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT với các tỉnh thành ĐBSCL về tháo gỡ khó  khăn cho ngành cá tra diễn ra chiều 25/9 tiếp tục ghi nhận nhiều “tiếng than” của các DN trong sản xuất, kinh doanh do công tác phòng, chống dịch Covid 19 còn nhiều bất cập. Tại đây, Bộ trưởng NN-PTNT cho biết: Trước khi vào ĐBSCL tôi có báo cáo Thủ tướng. Tôi nói bây giờ mặc dù rất nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, của từng bộ mà đây đó vẫn có chuyện này chuyện kia, làm cho việc vận hành có gì đó trục trặc.

“Nhiều khi một nhóm Bộ trưởng ngồi với Thủ tướng mấy tiếng đồng hồ để soạn 1 văn bản 2 trang, làm sao để các địa phương hiểu giống nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và gợi lại câu chuyện “hàng thiết yếu”: Các vị nhớ lúc đầu có “mặt hàng thiết yếu rồi có ông này nói bánh mì, ông kia nói tã lót không thiết yếu...vẫn có sự ách tắc.

DN hiện khó khăn trong việc thu mua cá tra và thiếu hụt lao động.

DN hiện khó khăn trong việc thu mua cá tra và thiếu hụt lao động.

Chia sẻ với những khó khăn của DN trong sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Y tế cần sớm đưa ra kịch bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chúng ta cũng chưa đưa ra được khái niệm “bình thường mới” là như thế nào. Nếu giờ có 1 ca F0 trong DN thì xử lý ra sao? Ngành Y tế phải đưa ra khuyến cáo để địa phương cũng như các DN nếu gặp tình huống đó thì không hoảng loạn, bất ngờ, sợ sệt. Tôi biết chắc chắn khi chuyển trạng thái mới không có nghĩa là không còn những điều ngỡ ngàng, không phải ngày một ngày hai đều theo ý của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT. Tại sao các chỉ đạo của Trung ương về địa phương mà cứ trục trặc hoài. Tôi đề nghị các địa phương quán triệt cho kỹ, đừng tam sao thất bổn” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan cũng dẫn chứng về việc “một chỉ đạo nhưng mỗi nơi hiểu và làm một kiểu: “Tôi đi xuyên qua 1 tỉnh, điện cho anh em thì họ kêu – Trời ơi anh ơi cái chốt đó hồi xưa nổi tiếng căng từ hồi đó tới giờ. Tôi phát hiện ra, trong nhiều chốt thì có chốt căng. Như vậy nó đã khác nhau trong một tỉnh đó rồi”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, bên cạnh chữ an toàn trong phòng chống dịch, phục hồi kinh tế có chữ “linh hoạt”, đó là “cửa sống” của chúng ta. Trong một điều kiện nào đó, dù khó khăn đến mấy, dù khe cửa giữa an toàn kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế nhiều khi rất hẹp, nhưng tìm được giải pháp để đi qua khe hẹp đó mới là bản lĩnh của địa phương, doanh nghiệp.

“Coi chừng có lúc bên này có cực đoan, bên kia cũng cực đoan. Hãy thử đổi vai cho nhau, xem giờ DN làm Bí thư tỉnh uỷ, còn Bí thư tỉnh uỷ làm Tổng giám đốc xem như thế nào. Đây là một kỹ năng để hợp tác với nhau, hãy tưởng tượng mình đóng vai gì, vị trí của người khác thì mới tìm được sự dung hoà” – Bộ trưởng phân tích thêm.

Doanh nghiệp “ngóng” qui chuẩn mới về phòng, chống dịch Covid 19

Trở lại câu chuyện sản xuất, kinh doanh cá tra, các DN, địa phương bày tỏ nhiều vướng mắc trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Phó Tổng thư ký VASEP – bà Tường Lan kiến nghị việc xem xét cho đối tượng F0 đã điều trị hết bệnh; những người đã tiêm 1 mũi được tham gia phục hồi sản xuất.

Cơ quan quản lý cần tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi; xem xét cho phép công đoàn thu hoạch cá di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh: được đi đến điểm test covid và tập trung tại điểm di chuyển (bằng xe hoặc bằng ghe) để tham gia thu hoạch cá, sau đó có thể vừa thực hiện cách ly vừa thu hoạch cá tại vùng nuôi và được tầm soát covid trước khi đến làm việc tại vùng nuôi tiếp theo.

Đồng thời, được thay thế phương án 3 tại chỗ bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc. Cho phép các nhà máy có số lượng tiêm mũi 2 vaccine trên 60% , có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, thực hiện tốt y tế tại chỗ đảm bảo các biện pháp chống dich và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định của Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa (không khống chế số lượng).

“Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC) nên có Bộ hướng dẫn “Bảo vệ người lao động; hướng dẫn về việc giảm thiểu và phòng ngừa lây lan Covid tại nơi làm việc” cho chủ Doanh nghiệp trong chiến lược chống dịch mới: sống và làm việc chung với dịch bệnh. Bộ hướng dẫn mới này xem như cẩm nang cho phép mỗi doanh nghiệp xây dựng và trình phương án sản xuất cụ thể với Sở y tế và CDC địa phương nhằm đảm bảo an toàn và sản xuất liên tục. Bộ hướng dẫn cũng giúp hướng dẫn thống nhất, nhất quán giữa các địa phương tạo thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa các địa phương” – bà Tường Lan nêu kiến nghị.

Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đến thời điểm này, các tỉnh có số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Hiện tại, có tổng số 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca mắc Covid-19. Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ.

“Những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, số còn lại phải nghỉ việc, tạo ra hệ lụy lớn về xã hội. Ước tính hàng trăm ngàn lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, và số lượng tương đương cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo. Với tình hình hiện nay, khả năng xuất khẩu cá tra tháng 9 có thể giảm trên 30%, nhiều DN sẽ mất những đơn hàng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và không dám nhận những đơn hàng mới” – ông Luân nói./.

(Theo VOV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục