(vasep.com.vn) Gần đây, thị trường Trung Quốc tràn ngập các sản phẩm cá tuyết cod và cá tuyết than (sablefish) – các thực phẩm được coi là bổ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân vô đạo đức đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, làm nhái sản phẩm cá tuyết than và cá tuyết cod Alaska bằng nguyên liệu cá minh thái.
Đây là lời giải thích của một tờ báo có sức ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc, nằm trong bản báo cáo mới được công bố gần đây về giá và dán nhãn sai trong sản xuất cá tuyết.
Vào tháng 3 hàng năm, phương tiện truyền thông Trung Quốc thường có một chiến dịch về quyền của người tiêu dùng. Năm nay, hành động làm nhái sản phẩm cá tuyết là chủ đề chính trong cuộc điều tra của tờ báo Ji Lu Evening News. Trong đó, cuộc điều tra tập trung chủ yếu vào bờ biển phía Đông của Trung Quốc, bao gồm cảng Thanh Đảo, Tế Nam và Yên Đài. Đây là các cảng chính và là các trung tâm chế biến thủy sản lớn của Trung Quốc.
Theo báo cáo của tờ Evening News, người tiêu dùng đang bị lừa dối bằng các sản phẩm cá tuyết giả với mức giá đắt đỏ. Thị trường Trung Quốc hiện nay đang bị hỗn loạn bởi các sản phẩm dán nhãn sai, do nhu cầu thực phẩm cho sức khỏe như cá tuyết trong tầng lớp trung lưu của Trung Quốc tăng.
Một vấn đề lớn ở Trung Quốc là thiếu sự chuẩn hóa hay những chứng nhận đáng tin cậy. Các chợ, siêu thị và các cửa hàng trực tuyến đồ tươi của Trung Quốc rao bán một loạt các sản phẩm cá tuyết dán nhãn sai. Tờ Ji Lu Evening News đưa ra những thuật ngữ được dùng trên thị trường như " cá tuyết cod Alaska ", "cá tuyết cod đông lạnh chuẩn ", "cá minh thái đông lạnh" hay "cá tuyết cod nước lạnh."
Có sự khác biệt lớn về giá giữa các sản phẩm cá tuyết cod của các công ty tư nhân, tuy nhiên người mua khó có thể tin cậy tuyệt đối cho những sản phẩm họ mua được. Tờ Evening News đưa ra giá tại một siêu thị ở thành phố Tế Nam: sản phẩm có nhãn "cá tuyết cod nước lạnh cắt thanh" có giá 2,93USD/500g trong khi sản phẩm tương tự có nhãn "philê cá tuyết cod đông lạnh " là 3,52 USD/500g; 2 sản phẩm trên đều được sản xuất từ một nhà máy chế biến ở gần Rongcheng. Tuy nhiên, các sản phẩm có nhãn "cá tuyết ngoài khơi" từ New Zealand bán với giá 9,25 USD/500g; trong khi "cá tuyết Na Uy" là 7,09 USD/500g, hay sản phẩm được dán nhãn “silver cod” (nguồn gốc xuất xứ chưa rõ) có giá 28,99USD/500g, các sản phẩm này có giá cao hơn hẳn.
Theo báo cáo của tờ Ji Lu, thành phần chính trong sản phẩm được dán nhãn cá tuyết cod thực tế giống với cá minh thái (thường được cho vào bánh mỳ kẹp) được bán với giá 1,85 USD trong các cửa hàng ăn nhanh trên khắp Bắc Kinh. Tờ báo cũng cho rằng cá được dùng làm dầu cá ở Châu Âu khi bán ở Trung Quốc được dán nhãn là dầu cá tuyết cod chất lượng cao. Gần đây, ngôi sao Mã Y Lợi cho biết con của cô bị bệnh khi dùng "dầu cá" được dán nhãn là cá tuyết cod.
Những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc mua sản phẩm cá tuyết cod để cải thiện sức khỏe, và các chiến dịch marketing nhấn mạnh rằng cá tuyết cod cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cả trẻ sơ sinh và người già. Vì biết rõ các bậc cha mẹ Trung Quốc sẵn sàng chi khoản tiền lớn để chăm sóc con nhỏ, một số nhà cung cấp sử dụng các cổng thông tin trực tuyến phổ biến như Taobao.com, Tmall.com và JD.com để quản bá các sản phẩm “silver cod” và “black cod” NK. Các sản phẩm này được quảng bá là các thực phẩm có thể cải thiện từ các vấn đề về da đến giòn xương hay rụng tóc. Theo báo cáo Ji Lu, khi bị điều tra, một số nhà cung cấp cá tuyết cod yêu cầu chứng thực từ bác sỹ, kết luận cuối cùng là hàng giả.
Ngoài ra còn có nhiều dán nhãn sai về nguồn gốc xuất xứ. Vài năm gần đây, tờ SeafoodSource ghi nhận có quá nhiều sản phẩm cá tuyết than của Pháp trên các cổng thông tin thương mại điện tử Trung Quốc. Thậm chí Pháp không được biết đến là nơi sản xuất cá tuyết cod, nhưng mác nguồn gốc từ Pháp trên bất kỳ sản phẩm nào ở Trung Quốc đều là sản phấm được dán nhãn cao cấp.
Năm ngoái, Trung Quốc áp dụng luật quảng cáo mới nhằm loại bỏ việc dán nhãn sai và đưa thông tin sai lệch để bảo vệ người tiêu dùng. Nhân viên tại các cổng thông tin trực tuyến cho biết, họ đang nỗ lực loại bỏ thông tin sai lệch, tuy nhiên để đưa ra khối lượng tuyệt đối các sản phẩm được bán ra là rất khó trong khi nhiều người mua không khiếu nại.
Các nhà NK và buôn bán hợp pháp của Trung Quốc, hưởng lợi từ việc kinh doanh cá tuyết cod chất lượng cao chân chính, sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi thị trường cá tuyết cod rất “hỗn loạn” và thương nhân đều bị đánh đồng là “lừa đảo”.
Các cơ quan tiếp thị quốc tế như Hội đồng Thủy sản Na Uy đã bỏ ra một khoản lớn để xây dựng một thị trường cho các sản phẩm cao cấp như cá hồi và cá tuyết cod ở Trung Quốc. Nhưng những sản phẩm làm giả của Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức người tiêu dùng về cá tuyết.
Tất nhiên cũng có thể hiểu rằng đó là vì người tiêu dùng địa phương luôn muốn có những sản phẩm chính hãng và chất lượng. Vì vậy, các sản phẩm được kiểm chứng đối phó hay làm giả logo, thương hiệu là những thách thức lớn đối với các chuyên gia thủy sản tại Trung Quốc.
Diệu Thúy