25 năm - một chặng đường phát triển của ngành cá ngừ Việt Nam

(vasep.com.vn) Trong 25 năm qua, ngành cá ngừ Việt Nam ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng liên tục qua các năm. Kim ngạch XK cá ngừ đã tăng từ mức 14 triệu USD năm 1998 lên hơn 1 tỷ USD năm 2022, tăng 7.121%. Tỷ trọng XK cá ngừ trong tổng XK thủy sản của Việt Nam đã tăng từ 2% lên 9%.

25 năm  một chặng đường phát triển của ngành cá ngừ Việt Nam

Các loài cá ngừ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vây dài, cá ngừ vây xanh miền Nam và cá ngừ sọc dưa...Về cơ cấu sản phẩm, nếu như giai đoạn 1998 – 2007, Việt Nam chủ yếu XK cá ngừ thô nguyên liệu, nhưng trong 10 năm trở lại đây, các DN đã chú trọng hơn trong việc gia tăng giá trị các sản phẩm, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến như thăn/ philê cá ngừ, cá ngừ đóng hộp ngâm dầu, cá ngừ đóng túi…đã được đẩy mạnh.

Cũng giống như các ngành thuỷ sản khác, ngành cá ngừ XK của Việt Nam trong những năm gần đây cũng trải quan biến động thăng trầm của đại dịch Covid 19. Hoạt động khai thác, chế biến và XNK bị đình trệ, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá ngừ cũng có nhiều thay đổi theo bối cảnh mới. Theo đó, NK cá ngừ đóng hộp đã bùng nổ trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Tuy nhiên, từ quý II/2021, dịch Covid đã gần như không còn là quan ngại lớn với thế giới, các thị trường dần mở cửa, nhu cầu hồi phục. Tuy nhiên, hệ luỵ của Covid là các chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chế biến thuỷ sản gia tăng. Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine càng làm cho giá vận tải thêm đắt đỏ. Theo đó, xu hướng tiêu thụ và NK cá ngừ lại lần nữa thay đổi, thị trường cá ngừ đóng hộp lại chững lại thay vào đó là sự hồi phục của cá phile/loin…

Năm 2022, cơn bão lạm phát khiến cho thị trường cá ngừ chao đảo với những biến động về nguồn cung, nhu cầu và giá. Theo đó, giá NK cá ngừ tại các thị trường đều tăng so với năm 2021. Và nhờ đó ngành cá ngừ lần đầu tiên trở thành ngành hàng trị giá tỷ USD với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD.

25 năm  một chặng đường phát triển của ngành cá ngừ Việt Nam

Không chỉ gia tăng về kim ngạch XK, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào chế biến và xuất khẩu cá ngừ cũng đã ngày càng tăng trong 25 năm qua. Từ 35 doanh nghiệp năm 1998, con số này đã tăng lên hơn 200 doanh nghiệp năm 2022. Đối mặt với rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và vướng nhiều rào cản thương mại và phi thương mại, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực để giữ vững và ngày càng mở thị trường xuất khẩu.

Hiện cá ngừ Việt Nam đã xuất được sang hơn 100 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Israel và Thái Lan đang là 5 thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Tại một số thị trường chính như Mỹ, Canada, hay Israel, Việt Nam đang là 1 trong số 5 nguồn cung cá ngừ lớn nhất.

Tuy nhiên, chặng đường nào mà chẳng có chông gai. Sau năm 2022 với một loạt thách thức, ngành cá ngừ sang năm 2023 với những hy vọng mới. Tuy nhiên, ngay trong quý 1, thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động kinh tế khó lường đã tác động làm giảm nhu cầu tiêu thụ và NK cá ngừ. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu giảm, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới leo thang, cạnh tranh gia tăng, chi phí sản xuất trong nước tăng mạnh và liên tục đang khiến cho các DN càng bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là nguyên nhân khiến cho XK cá ngừ của Việt Nam sụt giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK ước đạt 318 triệu, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, trong nửa cuối năm thị trường NK cá ngừ sẽ dần phục hồi, tuy nhiên XK cá ngừ của Việt Nam sẽ khó có thể tăng so với năm 2022.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục