Sản lượng khai thác cá ngừ vằn tại WCPO năm 2018 tốt

(vasep.com.vn) Sản lượng khai thác cá ngừ vằn tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) tăng trong những năm qua do sự gia tăng hiệu quả khai thác bằng lưới vây, điều này được phản ánh trong các số liệu năm 2018. Sản lượng khai thác cá ngừ vằn bằng thiết bị dẫn dụ cá (FADs) từ năm 2017 – 2018 đã tăng lên, cho thấy tỷ lệ cá cỡ trung bình (cá dài từ 60 – 80cm) bị mắc lưới cao hơn. Ngoài ra, cá ngừ vằn cỡ lớn cũng chiếm phần lớn trong các đàn cá tự do.

Nắm được tình hình về nguồn lợi cá ngừ vằn là điều rất cần thiết, đặc biệt tại khu vực WCPO, vì loài này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thương mại cá ngừ trên thế giới. Trong năm 2018, theo số lượng thống kê mới nhất được công bố bởi Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), loài cá này chiếm 66% (1.795.048 tấn) trong tổng sản lượng khai thác tạm thời tại khu vực này. Hơn nữa, tổng sản lượng (của tất cả các loài cá ngừ thương mại) tại khu vực WCPO đóng góp tới 55% sản lượng đánh bắt cá ngừ toàn cầu.

Giá cá ngừ trên thị trường toàn cầu được xem là điểm chuẩn liên quan tới nguồn lợi. Tại Bangkok, trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, giá CFR mỗi 1 tấn cá ngừ vằn cỡ >1,8kg nguyên con đông lạnh tạo ra điểm tham chiếu chung cho các mức giá của loài này tại các thị trường chính khác trên thế giới. Nếu sản lượng khai thác cá ngừ vằn tại WCPO giảm, sẽ đẩy giá cá ngừ lên cao, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị doanh thu từ cá ngừ đóng hộp. Tình trạng nguồn lợi cũng có ảnh hưởng lớn đến vị thế của Thái Lan, nước XK cá ngừ vằn đóng hộp và loin cá ngừ vằn hấp lớn nhất thế giới. Do đó, việc giảm sản lượng khai thác tại khu vực WCPO thường dẫn tới giảm sản lượng sản xuất tại các nhà máy địa phương.

Phương pháp và các khu vực đánh bắt

Năm 2018, sản lượng khai thác bằng lưới vây (hầu hết là cá ngừ vằn) đạt 1.469.520 tấn, chiếm 82% tổng sản lượng khai thác cá ngừ tại khu vực WCPO. Sản lượng đánh bắt bằng ngư cụ “thủ công” của nghề cá địa phương của Indonesia, Philippines và Nhật Bản đạt 180.499 tấn trong năm 2018 (chiếm khoảng 10% tổng sản lượng khai thác) và đạt mức thấp nhất trong 7 trở lại đây. Sản lượng cá ngừ câu cần năm 2018 đạt 138.534 tấn (chiếm 8%), tăng nhẹ so với năm 2017, và đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1963. Điều này chủ yếu là do sản lượng khai thác của Indonesia giảm. Lượng cá ngừ vằn đánh bắt bằng câu vàng cập cảng ít hơn 1% so với năm trước.

Phần lớn cá ngừ vằn được đánh bắt tại khu vực xích đạo, phần còn lại được đánh bắt theo mùa khai thác của nghề cá địa phương (vùng biển trong nước) của Nhật Bản. Nghề cá trong nước tại Indonesia (lưới vây, câu cần, và các loại ngư cụ không được phân loại) và Philippines (như lưới quây và lưới vây) chiếm phần lớn sản lượng đánh bắt cá ngừ vằn tại khu vực phía Tây xích đạo của WCPFC. Tuy nhiên, vùng biển nhiệt đới trung tâm lại bị chi phối bởi hoạt động khai thác bằng lưới vây với số lượng đội tàu nước ngoài và đội tàu địa phương nhiều hơn.

Năm 2018, sự phân bố sản lượng cá ngừ vằn khai thác bằng lưới vây tại các khu vực Trung và Đông xích đạo bị ảnh hưởng đáng kể bởi hiện tượng ENSO.

Cỡ cá ngừ và sản lượng khai thác bằng FAD

Phần lớn tại các ngư trường trong nước của Philippines và Indonesian (vùng biển quần đảo) là cá ngừ vằn cỡ nhỏ từ 20 – 40 cm. Những năm gần đây, tỷ lệ cá ngừ vằn cỡ trung bình cộng (60 – 80 cm) được khai thác bằng nghề lưới vây cao hơn, đặc biệt trong sản lượng khai thác từ các đàn cá tự do (không sử dung thiết bị dẫn dụ cá (FAD), chiếm phần sản lượng là cá ngừ vằn cỡ lớn. Ngược lại, số lượng cá ngừ đánh bắt bằng FAD không chỉ tăng từ năm 2017 – 2018, mà cỡ cá cũng giảm, hầu hết cá đánh bắt được ở cỡ trung bình.

Khối lượng khai thác cá ngừ vằn cỡ trung bình, đặc biệt là có sử dụng FAD, được đánh bắt bằng lưới vây trong năm 2018 cao hơn so với năm 2017.

Kể từ năm 2015, nghề cá của Indonesia và Philippines hầu hết đánh bắt cá ngừ cỡ nhỏ và sản lượng khai thác năm 2017 tương đương so với năm 2018. Hơn nữa, tỷ lệ cá ngừ vằn được đánh bắt bằng lưới vây cỡ nhỏ cao hơn so với các tàu cỡ lớn hơn tại các nghề cá khác.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục