Ba công ty cá ngừ Mỹ đối mặt vụ khiếu nại đòi bồi thường “An toàn cá heo”

(vasep.com.vn) Trong lúc phải đương đầu với các vụ kiện cáo về giá cả, Bumble Bee Foods, Chicken of the Sea, và StarKist vừa phải đối mặt với các khiếu nại về vấn đề nhãn “An toàn cá heo” với các sản phẩm cá ngừ của họ.

Một vụ khiếu nại về hành động lừa đảo và gian lận của 3 công ty kinh doanh cá ngừ đã được đệ trình lên Tòa án Quận ở San Francisco, California, Mỹ. Tuy nhiên, 3 bị đơn này là: Bumble Bee (của Lion Capital), Chicken of the Sea (của Thai Union), và Starkist (thuộc Downgon Industries) vẫn tuyên bố, các sản phẩm của họ là “An toàn với cá heo”.

Nhãn “an toàn cá heo - “Dolphin-Safe” được gắn lên mỗi sản phẩm đồng nghĩa với việc không có bất cứ con cá heo nào bị chết hay bị thương nghiêm trọng trong quá trình đánh bắt cá ngừ và sau đó được chế biến ra các sản phẩm cá ngừ mà các công ty này đang bán. Tuy nhiên, trên thực tế, theo chứng cứ từ một vụ kiện chống lại StarKist thì, các hoạt động khai thác cá ngừ của các nhà cung cấp trên đã giết hại hoặc làm bị thương số lượng lớn cá heo mỗi năm.

Theo nội dung đơn khiếu nại StarKist thì công ty này đã không truy xuất một cách đầy đủ, không xác định cá ngừ không đủ điều kiện dán nhãn “Dolphin-Safe” và không thực hiện việc cách ly vật lý sản phẩm an toàn với cá heo với sản phẩm cá ngừ khai thác không an toàn với cá heo. Theo đó, StarKist - bị đơn sẽ không được dán nhãn “Dolphin-Safe” cho bất cứ sản phẩm cá ngừ nào.

Trước những cáo buộc này, StarKist không đưa ra các lời bình luận về vấn đề pháp lý đang chờ xử lý, còn Giám đốc StarKist cho biết họ sẽ không mua bất kỳ con cá ngừ nào gây ảnh hưởng tới cá heo. Công ty này là doanh nghiệp đầu tiên cam kết thực hiện chính sách an toàn với cá heo từ tháng 4/1990 (29 năm trước đây).

Từ khi thực hiện chính sách này, StarKist đã từ chối thu mua cá ngừ được đánh bắt bằng lưới rê và lưới kéo - đây là những hình thức khai thác gây nguy hiểm với nhiều loại sinh vật biển. Đồng thời StarKist cũng lên án việc sử dụng các phương thức đánh bắt một cách bừa bãi để dụ bắt cá heo, cá voi và các sinh vật biển khác.

Đơn khiếu nại chống lại Bumble Bee và Chicken of the Sea có nội dung tương tự nhau.

Theo nội dung Đơn khiếu nại, bằng cách thể hiện cam kết về tính bền vững, hai công ty này đã dán nhãn “Dolphin-Safe” cho các sản phẩm cá ngừ đóng túi đã được chứng nhận của Hội đồng Quản lý biển (MSC) nhưng không truy xuất và thống kê được số lượng cá heo đã bị giết hoặc bị thương trong quá trình đánh bắt cá ngừ, và cũng để lẫn cá ngừ khai thác an toàn (nếu có) với cá ngừ khai thác không an toàn với cá heo. Nhờ dán nhãn “Dolphin-Safe” nên các công ty này mới có thể bán sản phẩm cá ngừ của mình vào các cửa hàng bán lẻ lớn hoặc không bị từ chối nhập cảnh.

Còn Chicken of the Sea cho biết công ty "cam kết thực hiện bảo tồn tất cả các loài sinh vật biển và đảm bảo tất cả các sản phẩm của mình đều được chứng nhận “Dolphin-Safe”. Chicken of the Sea hiện đang được chứng nhận bởi EII và tuân thủ các nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn về an toàn cá heo của EII.

Trong khi một số nhà cung cấp khác bao gồm: Safe Catch, Trader Joe’s, Whole Foods Market, Ocean Naturals, và Wild Planet sử dụng phương pháp câu cần và câu nhấp để đánh bắt cá ngừ, thì StarKist và Bumble Bee (ngoại trừ dòng sản phẩm Bumble Bee’s Wild Selections) lại không sử dụng phương pháp này. Thay vào đó, các tàu khai thác cung cấp cá ngừ cho StarKist thường sử dụng các phương pháp đánh bắt làm chết hoặc làm bị thương đáng kể loài cá heo.

Trong 4 năm qua, theo đơn khiếu nại, StarKist đã thu mua phần lớn cá ngừ từ các tàu được điều hành bởi Imperial Shipping Logistic Co. Những tàu này thường sử dụng phương pháp câu vàng để đánh bắt cá ngừ. Câu vàng là ngư cụ khai thác rất bừa bãi vì chúng thu hút một số lượng lớn cá mục tiêu và cá không phải mục tiêu như cá heo bị mắc vào lưỡi câu khi chúng đuổi theo mồi câu và mắc ở đó cho tới khi được kéo vào tàu và bắt lên.

Đơn khiếu nại cho biết ngay cả khi bị bắt nhầm, cá heo thường không được thả ra. Thay vào đó, các ngư dân thường giết chúng trên tàu và chụp ảnh với chúng, mổ xẻ và nhổ răng chúng bán lấy tiền. Vì những tác hại gây ra đối với các loài cá không phải mục tiêu, phương pháp câu vàng đã bị các nhóm môi trường như Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) lên án như một hoạt động khai thác không bền vững.

StarKist cũng sử dụng các tàu thuộc sở hữu của công ty mẹ, Dongwon Industries Co. Ltd., để đánh bắt cá ngừ tại các vùng biển xung quang các quốc đảo Tây Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Theo đơn khiếu nại các tàu này sử dụng các kỹ thuật đánh bắt hiện đại bằng lưới vây cũng gây hại cho một số lượng cá heo đáng kể. Và theo đơn khiếu nại, StarKist có âm mưu che giấu sự thật về giá cá của mình với các công ty khác, bao gồm SCASA, Tri Marine, và STP nơi cất trữ các sản phẩm của họ.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục