Thêm thách thức cho tôm Việt

Thông tin công bố vừa qua, Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) vừa nộp đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia; đồng thời cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Với vụ kiện này, 6 cường quốc tôm trên thế giới đều vướng vụ kiện chống bán phá giá tôm ở Hoa Kỳ! Đây là thêm thách thức hay là cơ hội cho tôm Việt trong bối cảnh đang gặp quá nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan hiện nay? Chúng ta điểm qua diễn biến từ trong quá khứ để rộng đường nhận xét và hành động sắp tới phù hợp hơn.

Chú thích ảnh

Cách đây khoảng 8 năm, nguyên đơn vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt là Liên minh tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) và ASPA đã từng kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt. Kết quả là các cơ quan chức năng của Chính phủ ta đã chứng minh hoạt động ngành tôm Việt là sự chủ động của các chủ thể tham gia. Chính phủ chỉ hỗ trợ định hướng, chiến lược, chủ trương, cơ sở hạ tầng… và phía cơ quan chức năng Hoa Kỳ kết luận là tôm Việt không hưởng trợ cấp, nên vụ kiện bị hủy.

Hiện nay, tôm Ấn Độ và tôm Việt vẫn còn bị thuế chống bán phá giá với vụ kiện của nguyên đơn từ cuối năm 2003 kéo dài đến nay; tuy nhiên mức thuế của các doanh nghiệp (DN) tôm Việt là 0% và của Ấn Độ là 3,88%. Cũng tại thời điểm này tôm Ấn Độ chiếm thị phần cao nhất tại Hoa Kỳ, khoảng 37%; tôm Ecuador vươn lên thứ nhì (trên 20%, cao hơn đôi chút so với tôm Indonesia). Tôm Việt khiêm tốn chỉ đạt khoảng 8%.

Lý do tôm Việt không thể có thị phần cao hơn, là tôm từ 3 nước kia có giá bán rất thấp, và tôm Việt bám được thị trường này nhờ vào các sản phẩm chế biến hàng giá trị gia tăng cao tiêu thụ vào các hệ thống lớn, cấp cao; trong khi tôm các nước còn lại chưa đủ trình độ chế biến vươn tới. Tình hình này là lý do tại sao các luật sư của nguyên đơn (ASPA) đã tạm tính thuế chống bán phá giá tôm từ Ecuador tới 111% và tôm Indonesia là 37%!

Tất cả chỉ là sự khởi động và còn ở phía trước. Trong tháng 11 này các cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ xem xét, kết luận là vụ kiện từ ASPA nêu trên được tiến hành hay không. Tình hình chung cho thấy ngành tôm Hoa Kỳ từ đánh bắt, chế biến đều đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu từ giá tiêu thụ giảm quá nhiều. Bảo hộ sản xuất trong nước là nhiệm vụ (ngầm) hàng đầu các Chính phủ, với tình hình nay cho thấy vụ kiện sẽ xảy ra thôi. Đó là sự phân tích theo lý lẽ, nhưng nếu có kết quả khác cũng là chuyện bình thường. Xứ Mỹ cũng nổi tiếng hoạt động hành lang (lobby) mà ngành tôm Ecuador rất nhiều tiền với các DN tôm lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhìn nhận theo lý lẽ, vụ kiện sẽ xảy ra và ngành tôm Việt sẽ bị tác động thuận, nghịch ra sao để cuối cùng thì lợi hay hại nhiều hơn.

Trước tiên, nói về vụ kiện CVD. Lần trước, trong bối cảnh khác hiện nay, lúc đó còn ít nhiều phức tạp trong chứng minh Việt Nam đã và đang hình thành nền kinh tế thị trường. Nay đã khác hẳn, Việt Nam đã được rất nhiều nước lớn công nhận điều này và tính minh bạch trong hoạt động kinh tế, tài chính nước ta ngày càng rõ nét hẳn.

Thiết nghĩ, vụ kiện CVD sẽ có kết quả ổn thỏa. Tuy nhiên, dự phòng xa là điều hết sức cần thiết. Ngay trong tuần này, VASEP đã họp các DN tôm tham gia thị trường Hoa Kỳ và nhờ hãng Luật tư vấn, các DN này sẽ trả lời các nội dung cần thiết để hãng Luật sớm có đối sách cho hoạt động bảo vệ quyền lợi. Với hành động này, VASEP chứng minh thêm bản lĩnh của mình, xứng đáng là chỗ dựa các DN thủy sản. Một điểm sáng, đáng hoan nghênh.

Điểm tập trung là xem xét tác động từ vụ kiện bán phá giá, nếu xảy ra. Mức thuế chống bán phá giá cho tôm Ecuador và Indonesia sẽ được DOC công bố tạm tính, ít ra ở nửa cuối năm sau. Mức thuế này là bao nhiêu, còn phụ thuộc vào sự chứng minh của hai bên lên DOC. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá tiêu thụ tôm các bị đơn này rất thấp, dẫn tới mức thuế sẽ là con số không nhỏ. Dĩ nhiên, đây cũng là phân tích theo lý lẽ! Giả sử tôm Ecuador bị thuế chỉ khoảng 30% và tôm Indonesia chỉ khoảng 10% (tức là chỉ đạt con số 1/3 so phỏng đoán của luật sư nguyên đơn), mức thuế sẽ gây lỗ lớn cho các DN tôm hai nước này nếu còn theo đuổi thị trường Hoa Kỳ. Bởi trong thực tế, tỉ suất lợi nhuận ngành tôm dưới 5%. Bài toán kinh doanh được so đo, các DN tôm này sẽ tìm đường cứu mình thôi.

Cũng như gần 20 năm trước, sau khi bị thuế chống bán phá giá trên 60% (POR1), ngành cá tra Việt phải tạm rút khỏi thị trường Hoa Kỳ (chỉ trừ Vĩnh Hoàn còn giữ vững nhờ mức thuế thấp), tìm thị trường mới và nhiều năm sau mới tìm cách lách được tái nhập vào đây. Hàng trăm ngàn tấn tôm Ecuador và Indonesia nếu không bán vào Hoa Kỳ, các DN tôm này sẽ tìm đến các thị trường tôm còn lại.

Cũng nên biết, tôm sơ chế (nguyên con hoặc lặt đầu cấp đông dạng block) Ecuador dẫn đầu vào EU và Trung Quốc. Các nước Nam Âu hết sức chuộng tôm Ecuador. Tôm Indonesia đứng thứ hai ở Nhật Bản sau tôm Việt. Theo lý thuyết, để chuyển đổi thị trường nhanh nhất, các DN sẽ tìm đến các thị trường trọng điểm còn lại.

Lúc đó tôm Ecuador sẽ mạnh mẽ hơn ở EU lẫn Trung Quốc, tôm Indonesia sẽ cạnh tranh quyết liệt với tôm Việt ở Nhật Bản. Tôm Việt đứng thứ hai ở EU, như vậy hai thị trường lớn của tôm Việt sẽ bị xâm lấn đáng kể. Chưa nói, nếu Trung Quốc mua thêm nhiều tôm giá rẻ từ Ecuador, ít nhiều sẽ làm nhẹ giá lẫn lượng tôm mua từ Việt Nam. Dù Trung Quốc mua tôm Việt toàn là tôm mang tính chất đặc thù, ít đối thủ như tôm sú hoặc tôm thẻ sống luộc chín.

Nếu có góc nhìn tích cực thì coi trên không chỉ là ÁP LỰC mà còn là ĐỘNG LỰC cho sự nỗ lực vươn tầm của tôm Việt. Tuy nhiên, không phải doanh nhân tôm Việt nào cũng trang bị đủ hành trang cho tư thế đó. Dẫn đến cái nhìn tổng quan, sự xáo động thị phần các cường quốc tôm ít nhiều gây khó khăn cho nhau thôi.

Ở góc nhìn tích cực khác là sự trống vắng nguồn tôm ở thị trường Hoa Kỳ. Chắc chắn là lợi thế cho các cường quốc tôm còn lại, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Tôm Việt có lợi thế ở khúc thị phần chế biến hàng giá trị gia tăng cao và giá cả chắc chắn sẽ được cải thiện khi nguồn cung tôm vào Hoa Kỳ bị hạn chế. Ngành tôm Ấn Độ cũng đang cố gắng cải thiện đẳng cấp chế biến, nhưng đi sau tôm Việt ít ra chục năm, cho nên lợi thế của tôm Việt ở đây là không nhỏ, nếu vụ kiện xảy ra theo kịch bản nêu trên! Còn ở các thị trường lớn còn lại, chắc chắc các DN tôm Việt sẽ tập trung cho công tác tiếp thị, cho việc nghiên cứu sản phẩm mới cũng như cố gắng tiết kiệm mọi mặt trong hoạt động, giảm giá thành… Tất cả cho việc tăng sức cạnh tranh.

Tóm lại, mọi sự vật luôn biến động, đây là chuyện lẽ thường. Việc chia lại miếng bánh thị phần tôm cũng không là gì mới mẻ, và nhất là cũng không gây nhiều khó khăn cho các doanh nhân tôm Việt ngày càng dạn dày, càng bản lĩnh. Cho nên ngành tôm Việt cảm thấy không gì là áp lực đáng kể đối với thông tin nêu trên. Vất đề là giải quyết khó khăn nội tại. Đó là tìm giải pháp chống đỡ bệnh trên tôm nuôi; đó là quản lý, kiểm soát tôm giống hết sức chặt chẽ; đó là tìm mọi nguồn đầu tư thủy lợi cho nuôi tôm… Tất cả cho việc nâng cao tỉ lệ nuôi thành công. Và đó là sức cạnh tranh mạnh mẽ cần làm nhất hiện nay.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia