(vasep.com.vn) Tháng 3/2019 ở thành phố Boston Hoa Kỳ, Hội chợ Thủy sản hàng đầu thế giới đã diễn ra. Thời điểm này đồng bằng sông Cửu Long đang tất bật cải tạo ao nuôi. Ở hội chợ, các nhà cung ứng tôm từ Ấn Độ và Indonesia đã có tôm chào bán.
Năm rồi, cũng thời điểm này hai nước trên có tôm. Nhưng giá chào bán ban đầu khá tốt. Tuy nhiên, do tồn kho ở Hoa Kỳ còn khá, việc mua bán không trôi chảy, giá chào cứ giảm dần nhằm thu hút bên mua. Hệ quả, đầu tháng 5 năm rồi giá tôm tươi ở Việt Nam bị giảm mạnh đột ngột, thậm chí trên 30.000 đồng mỗi kg.
Năm nay, hiện giờ tôm từ Ấn Độ đang chào rất rẻ. Đầu vụ, họ chưa có tôm lớn, tập trung chào tôm cỡ 50-60 con/kg. Tính ra giá thấp hơn giá các nhà máy chế biến tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đang mua trên 30.000 đồng! Đồng bằng sông Cửu Long đang thả giống, nhưng chưa nhiều. Thí dụ như tại Sóc Trăng tới thời điểm này trong khoảng 10-15% diện tích.
Đầu vụ năm 2019, giá tôm giống và thức ăn có tăng giá dù ít dù nhiều. Đây là một chấm phá làm bức tranh tôm Việt thêm nét ảm đạm. Giá đầu vào tăng, giá đầu ra giảm, người nuôi làm sao đủ ý chí theo đuổi cái nghiệp con tôm của mình! Cơ quan chức năng sao xa vời, chủ nợ thì kế bên...
Do những dự báo, nào tôm Ecuador, tôm Ấn Độ, tôm Indonesia, tôm Thái Lan, tôm Việt tất tần tật tăng lượng năm nay. Mức cung chung tăng. Là nhà tiêu thụ, với thủ thuật của mình, họ đâu cần mua dự trữ, đâu cần ký hợp đồng nhiều, dài hạn. Nhà cung ứng sẽ thiếu đơn hàng, tâm lý lo âu. Giá nào cũng ráng ký ít nhiều cho có! Bối cảnh này từng xảy ra trong giai đoạn 2011-2016 khi cá pollack có mức cung phục hồi, trong khi đồng bằng sông Cửu Long không đủ thông tin cứ mở rộng ao nuôi cá tra. Hai con cá này đều thịt trắng, có thể thay đổi nhau trên bàn ăn. Hệ quả, phải bán cá tra giá rẻ, lỗ từ nhà máy tới người nuôi khiến khoảng huy hoàng con tra sao ngắn ngủi!.
Do ký hợp đồng giá bán thấp, các nhà máy chế biến tôm Việt mong là người nuôi nuôi nhiều, cung tăng, dội chợ, giá sẽ xuống thấp. Người nuôi, nếu biết trước dù trúng vụ mà không lời (hoặc lời thấp) thì chắc sẽ treo ao. Người nuôi treo ao, cung thiếu, giá tôm nguyên liệu sẽ cao, các nhà máy chế biến vì áp lực trả nợ hợp đồng sẽ bị thiệt hại! Đàng nào cũng có bên thiệt hại trong hoàn cảnh này.
Nếu cung cầu ổn định (và cung tăng nhẹ) là lý tưởng cho việc mua bán. Sẽ không có những biến động quá lớn về giá. Các nhà máy chế biến Việt sẽ có nhiều thời gian cho việc phát huy thế mạnh của mình, chế biến hàng cao cấp có tỉ suất lợi nhuận cao, chia sẻ phần nào với người nuôi thông qua giá mua tôm nguyên liệu tốt hơn. Cái bánh thị trường thế giới chỉ lớn một tí so năm trước. Ai muốn dành phần nhiều, phải có ưu thế so đối thủ. Ưu thế đó là uy tín thương hiệu, hàng an toàn thực phẩm, là giá cả, là trình độ chế biến… Trong bối cảnh toàn cầu còn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng tập trung quan tâm vào an toàn thực phẩm và giá cả. Tôm Việt có thế mạnh nhưng cũng có thế “yếu chết người”, đó là giá đầu vào cao, giá thành cao, giá chào bán cao!
Chúng ta chưa bàn chuyện dài hạn, chỉ tiêu ở năm 2025; tập trung bàn chuyện bây giờ. Năm rồi doanh số xuất khẩu tôm giảm so năm kia. Quý đầu năm nay lại giảm mạnh so cùng kỳ năm rồi. Không phải ta không đủ tôm. Căn bản giá chào bán tôm của ta cao, chưa thu hút bên mua.
Vậy chúng ta phải làm gì trong hoàn cảnh này để hạn chế thiệt hại cho các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm? trong đó nhấn mạnh vai trò người nuôi và nhà chế biến.
Nên khuyến khích các hộ nuôi nhỏ lẻ nên nuôi một vụ ăn chắc và làm sao thu tôm cỡ lớn. Cũng nên quan tâm nuôi tôm sú cỡ lớn bởi còn dư địa thị trường cho mặt hàng này. Những khu vực chưa đủ điều kiện an toàn (sinh học) nuôi nên có khuyến cáo đừng thả giống tràn lan, dễ nảy sinh dịch bệnh ảnh hưởng chung quanh. Không thả giống ồ ạt tập trung, khó tiêu thụ khi ồ ạt thu hoạch.
Cũng may, điểm này người nuôi đã tự lo khá tốt. Thí dụ Sóc Trăng luôn thả giống tôm sau Bến Tre, Trà Vinh. Còn vùng quảng canh quy mô lớn Cà Mau, Bạc Liêu thì có tôm khá đều đặn. Các cơ sở tôm giống, thức ăn nên chia sẻ tốt hơn với người nuôi. Năm rồi, ở tháng 5 giá tôm giảm mạnh, rất nhiều ao dừng thả khiến các cơ sở tôm giống khuyến mại mua một con tặng một con. Chi bằng bán giá thấp hơn từ trước thì tình thế có thể khác. Các nhà máy chế biến phải vất vả hơn cho việc tìm kiếm khách hàng, biết tranh thủ thế mạnh từ các hiệp định đem tới. Mặt khác phải ráng chăm lo uy tín thương hiệu. Việc này quan trọng nhất, phải kiên trì, bền lâu, dù đôi lúc bị thiệt hại; nhưng lâu dài tôm Việt mới có thể bơi lên kệ các hệ thống tiêu thụ cao cấp các nước tiên tiến, mới nâng được tầm tôm Việt. Mua có bạn bán có phường, nhưng thật ra các nhà cung ứng tôm Việt đang quần nhau tơi tả qua đòn bẫy giá!
Vì sao chỉ bàn chuyện khó, có thể có cái nhìn thiếu lạc quan? Thời buổi câu chữ mềm mại êm tai qua rồi. Khẩu hiệu suông chỉ có thể tạo động lực nhất thời, hại cho toàn cục. Chúng ta phải ráng tìm ra sự thật để nhìn thẳng vào đó, nhập tâm để tìm ra kế sách. Trên hết, theo tôi, chỉ nói sự thật để từ đó các tháo gỡ đề ra phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Nhưng cũng chỉ mới trên giấy. Rất mong sự quan tâm cao nhất của các bên hữu quan.
TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN