Nghiêm túc thực hiện công tác ATTP và chống khai thác IUU đối với tàu cá, cảng cá

(vasep.com.vn) Ngày 9/4/2024, Bộ NN&PTNT ban hành Văn bản số 2555/BNN-CCPT gửi Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản về việc thực hiện công tác ATTP và chống khai thác IUU đối với tàu cá, cảng cá.

Chú thích ảnh

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội về tình trạng quản lý, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với tàu cá và cảng cá của các địa phương, ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện các quy định của pháp luật đã đầy đủ và cụ thể. Bao gồm: Điều 60, Luật Thủy sản 2017 quy định “Tàu cá không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được coi là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp” (tàu IUU); Điều 78, Luật Thủy sản 2017 quy định cảng cá phải đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022) quy định “tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên thuộc đối thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”; Thông tư 17/2018/TTBNNPTNT ngày 31/10/2018 quy định “tàu cá có chiều dài dưới 15 mét thuộc đối tượng phải thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn”;

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong quản lý nhà nước, đặc biệt tại công đoạn sản xuất ban đầu trong chuỗi sản xuất, chế biến thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT yêu cầu:

Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Sở thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Thông tư nêu trên. Cùng đó, khẩn trương kiểm tra, rà soát sớm có phương án xử lý đối những tàu cá chưa được thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, thẩm định định kỳ duy trì điều kiện an toàn thực phẩm đối với các tàu cá, cảng cá nêu trên.

Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc chấp hành ký cam kết an toàn thực phẩm đối với tàu cá có chiều dài dưới 15 mét theo phân cấp quản lý tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT; Kiểm soát chặt chẽ tàu cá rời cảng theo Biểu mẫu số 04 (Biên bản kiểm tra tàu cá rời cảng) quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, trong đó đảm bảo tàu cá có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc cam kết an toàn thực phẩm.

Đồng thời chỉ đạo cảng cá khi cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) phải đảm bảo 100% sản phẩm có nguồn gốc từ tàu cá không vi phạm quy định IUU, trong đó tàu cá phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc cam kết an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, Bộ NN&PTNT yêu cầu thực hiện cam kết “Nói không với IUU”; chỉ mua nguyên liệu thủy sản từ tàu cá có đủ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/ cam kết an toàn thực phẩm để đảm bảo tuân thủ pháp luật an toàn thực phẩm và chống khai thác IUU.

Thực hiện nghiêm túc Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT về truy xuất nguồn gốc và thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; Lưu trữ đầy đủ hồ sơ của cơ sở cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, bao gồm các hồ sơ chứng minh thủy sản khai thác không vi phạm quy định IUU và an toàn thực phẩm theo đúng quy định hiện hành, trong đó có Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT nêu trên.

Rà soát quy trình quản lý chất lượng, kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm (HACCP) và chống khai thác IUU và đảm bảo tổ chức thực hiện đúng quy trình ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, quy trình của doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành. Trong trường hợp cần thiết có văn bản gửi Sở NN&PTNT, Chi cục địa phương, Ban Quản lý cảng cá các tỉnh/thành phố để xác minh, làm rõ cung cấp hồ sơ tài liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và chống khai thác IUU theo chức năng nhiệm vụ quản lý.

Thực hiện nghiêm quy định Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT về truy xuất nguồn gốc và thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật Việt Nam, thị trường xuất khẩu về an toàn thực phẩm; Trong quá trình thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm, thẩm định chứng nhận lô hàng xuất khẩu nếu phát hiện hành vi vi phạm cần lập biên bản chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Cục Thủy sản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện công tác quản lý tàu cá, cảng cá (bao gồm đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm), cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác (SC), cấp Giấy chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác (CC) theo đúng quy định.

Năm 2023, XK thủy sản của Việt Nam sang EU đạt hơn 954 triệu USD, chiếm 10,6% tổng XK thủy sản của Việt Nam. Riêng XK các sản phẩm hải sản sang thị trường EU chiếm 37% tổng XK thủy sản sang thị trường này. XK các sản phẩm hải sản Việt Nam sang EU năm 2023 đạt 353 triệu USD, giảm 16% so với năm 2022.

Văn bản số 2555/BNN-CCPT của Bộ NN&PTNT ngày 9/4/2024

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM