Nhiều vướng mắc liên quan thuỷ sản khai thác xuất khẩu và quy định IUU

(vasep.com.vn) Ngày 8/4/2024, VASEP đã có công văn số 44/2024 gửi Văn phòng Chính phủ (CQ Thường trực Tổ công tác CCTTHC), Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tình hình SXXK thủy sản quý đầu năm nay và nêu ra các vấn đề đang ảnh hưởng đến SXXK thủy sản, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ. Một số vướng mắc liên quan thuỷ sản khai thác xuất khẩu và quy định IUU được VASEP nêu trong công văn 44 như sau:

Tình trạng còn nhiều tàu cá tại các tỉnh và một số cảng cá thiếu chứng nhận ATTP

Nhiều vướng mắc liên quan thuỷ sản khai thác xuất khẩu và quy định IUU

Tình trạng còn nhiều tàu cá tại các tỉnh và một số cảng cá thiếu chứng nhận ATTP, khiến nhiều lô hàng hải sản khai thác mà DN thu mua trong thời gian qua không đủ điều kiện được tiếp nhận-thẩm định và cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

VASEP đã có CV số 39/CV-VASEP ngày 26/3/2024 gửi lãnh đạo Bộ NNPTNT báo cáo-kiến nghị Bộ NN có văn bản chỉ đạo tới các Tỉnh về việc đẩy mạnh việc thực hiện tốt và đầy đủ các quy định về thẩm định-chứng nhận điều kiện ATTP tàu cá, cảng cá, chợ cá…(theo TT38/2018) và cam kết ATTP cho tàu cá dưới 15m theo TT 17/2018; Xem xét cấp H/C cho các lô hàng đã được xác nhận khai thác S/C gặp các bất cập trên.

Theo cập nhật của Ban Biên tập ngày 9/4/2024, Bộ NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 2555/BNN-CCPT gửi Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan trong đó yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Sở thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các Thông tư nêu trên. Khẩn trương kiểm tra, rà soát sớm có phương án xử lý đối những tàu cá chưa được thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, thẩm định định kỳ duy trì điều kiện an toàn thực phẩm đối với các tàu cá, cảng cá nêu trên.

Hy vọng rằng sau văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, việc triển khai thực hiện vấn đề trên của các sở NN tại các tỉnh được kịp thời để tháo gỡ bớt khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của DN.

Vướng mắc tại quyết định 5523 ngày 21/12/2023 của Bộ NN và PTNT khiến cho các lô hàng thủy sản XK có nguyên liệu NK từ New Zealand không được cấp giấy chứng nhận H/C để XK vào EU

Vướng mắc tại Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ NN và PTNT khiến cho các lô hàng thủy sản XK có nguyên liệu NK từ New Zealand (NZ) không được cấp giấy chứng nhận H/C để XK vào EU.  

Một số quốc gia, như NZ, Mỹ - đã có thỏa thuận riêng với EU về vấn đề kiểm soát ATTP và XNK động vật, SP động vật và thủy sản giữa 2 bên.

NZ và EU có riêng quyết định 97/132/EC về thỏa thuận song phương, bao gồm trong đó cả mẫu H/C. Tháng 5/2022, NZ có văn bản gửi cho Bộ NNPTNT về việc này.

Lô hàng thủy sản NZ XK sang EU, sử dụng & kèm theo giấy H/C thỏa thuận trên. Trước 2024 trở về trước, rất nhiều lô NL thủy sản XK sang Việt Nam cũng dùng mẫu H/C kể trên, và thành phẩm sản xuất từ những lô NL này đều đã được các đơn vị của cục NAFIQPM/Bộ NNPTNT thẩm định, cấp H/C XK vào EU.

Hiện tại, vẫn các lô hàng như trên từ NZ thì không được xem xét để thẩm định cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU nữa.

Liên quan vấn đề này, cũng tại CV số 39, VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT: Xem xét, trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có Thỏa thuận với EU; Xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu NK trước ngày QĐ 5523 có hiệu lực.

Vướng mắc liên quan đến XK thủy sản khai thác sang Nhật Bản

Liên quan đến XK thủy sản khai thác sang Nhật Bản có 2 vướng mắc. Một là, nội dung giấy chứng nhận khai thác (C/C) xuất khẩu sang Nhật bản đang có nhiều yêu cầu hơn so với yêu cầu của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m). Hai là, giấy C/C kèm lô nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, không đủ thông tin theo quy định của Bộ NNPTNT, nên không đủ điều kiện để cấp Giấy xác nhận Cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét, điều chỉnh phù hợp quy định giấy chứng nhận khai thác C/C đối với thị trường Nhật Bản theo như quy định của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m).

Thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài, ảnh hưởng tới sản xuất của DN

Tình trạng thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá, nhiều trường hợp, kéo dài hàng tháng, thậm chí 2-3 tháng, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của DN.

VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét thay đổi quy định theo hướng cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình TXNG, kiểm soát IUU.

Công văn 44/CV-VASEP ngày 8/4/2024

Một nội dung trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 đang gây hoang mang cho Doanh nghiệp

Bên cạnh các vấn đề trên, cộng đồng DN cũng đang quan ngại tới một vấn đề trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thủy sản 2017.

Cụ thể, tại Điểm 6.c, điều 70b (bổ sung) của Nghị định 37 yêu cầu DN nhập khẩu thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

Nghị định 37 đã ban hành được hơn 1 tuần, cộng đồng DN đang có ý kiến quan ngại về nội dung trên vì theo thực tiễn của ngành hàng, trong 1 lô XK có thể phải ghép nhiều thành phần nguyên liệu. Chưa kể, trong các văn bản pháp quy như Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 37/2024/NĐ-CP, Nghị định 38/2024/NĐ-CP đều chưa có định nghĩa như thế nào là “trộn lẫn”. Trong Khoản 4 Điều 42 của Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, liên quan đến vấn đề trên, không thấy có cụm từ “trong cùng một lô hàng xuất khẩu”. Hơn nữa, theo ý kiến DN, nội dung này trong Nghị định 37 đi ngược lại với thông lệ và dường như đang can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM