Ồn ào không kém sự biến động của giá tôm hai tháng qua là tôm nuôi nhiễm khuẩn chậm lớn và chết dần; nuôi có trúng kha khá chưa chắc có lời vì giá xuống thấp… Tất cả khiến con tôm rơi vào hoàn cảnh khó khăn chưa hề xảy ra. Bởi xưa nay chỉ có trúng mùa mất giá, nay thất mùa mất giá, còn gì để bàn để nói.
Hai tháng qua việc thả tôm nuôi bị giảm sụt khá lớn, hậu quả là từ tháng 6 này lượng tôm thương phẩm trên thị trường không nhiều, trong khi các năm qua tháng 6 là lúc thu hoạch cao điểm. Và cái kết có chút an ủi là giá cả mua vào của các doanh nghiệp (DN) chế biến như là đã chạm đáy và có xu hướng phục hồi theo quy luật cung cầu, dù mức giá tăng có phần chậm rãi! Nhưng có tăng còn hơn không.
Tôi biết thời gian qua giá bán của các DN tôm rất thấp. Nguyên nhân khách quan ai cũng biết, còn có nguyên nhân chủ quan tranh bán nhằm có luân chuyển dòng vốn kịp trả nợ ngân hàng. Khó chồng khó. Thật ra nếu các DN có đủ vốn lưu động có thể kìm phần nào đà giảm của giá bán. Nhưng thực tế không được như vậy, các DN đa phần sống vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Các DN có vốn nhà khỏe hơn, muốn bán được hàng, phải hòa mình vào vòng xoáy này, nếu không, phải thu hẹp hoạt động. Chỉ những đơn hàng cung các hệ thống cao cấp thì giá bán còn khá hơn. Nhưng chiều ngược lại, các DN phải đạt những chuẩn mực do bên hệ thống tiêu thụ đưa ra. Phổ biến hiện nay không chỉ là trách nhiệm xã hội, còn là bình đẳng giới, còn là công bằng thương mại (FAIR TRADE)… Trong lĩnh vực hoạt động liên quan vật nuôi còn phải quan tâm phúc lợi động vật. Và tổng quát hơn, đầy đủ hơn là đòi hỏi thực hiện bộ tiêu chí môi trường – xã hội – quản trị (viết tắt là ESG). ESG đang trở thành chuẩn mực phổ biến, tới đây các DN phải chú tâm thực hiện, nếu muốn chen chân giành miếng bánh thị phần cao cấp.
VCCI nhiều năm qua đã triển khai bộ tiêu chí DN bền vững (CSI) và năm nay VCCI sẽ tiếp tục phát động chương trình này vào ngày 31/5/2023. Trong bộ tiêu chí DN bền vững VCCI xây dựng có tích hợp các nội dung ESG. Từ đó, nếu DN nào đã theo đuổi thực thi bộ tiêu chí CSI sẽ thuận lợi hơn khi làm báo cáo thực thi ESG. Minh chứng tầm quan trọng của ESG, VinaCapital cho rằng các DN được rót vốn cần đáp ứng các tiêu chuẩn tốt quốc tế về thực hành ESG. Cũng có nghĩa khi triển khai thực hành các tiêu chí về ESG, DN không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn và các đơn hàng tốt từ các đối tác lớn trên thế giới mà còn có thể tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh (Kinh tế Sài Gòn, số 21-2023 ngày 25/5/2023, trang 32).
Trở lại chuyện giải cứu con tôm, hiện nay không phải chỉ là giá tôm, còn là tình hình bết bát trong nuôi tôm, tỉ lệ nuôi thành công quá thấp khiến giá thành tăng cao, kém hiệu quả. Tuy nhiên, phạm vi bài viết này chỉ tập trung trao đổi về giá tôm. Theo như trên, cho thấy, sự chủ động của DN chế biến sẽ góp phần kiềm chế giá tôm giảm, thông qua nỗ lực tìm đầu ra cho mình là các hệ thống phân phối lớn, cao cấp. Ở đó, người tiêu dùng là thành phần khá trở lên hoặc có yêu cầu chặt chẽ hơn về tiến trình hình thành sản phẩm, dĩ nhiên giá tiêu thụ phải tốt hơn.
Thực trạng, các DN tôm đang thiệt thòi, chưa thể tham gia thật tích cực vào cuộc chơi nêu trên. Thí dụ như để tôm ta vào các hệ thống cấp cao ở EU thì đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn ASC, trong khi diện tích nuôi nước ta đạt chuẩn này còn quá ít, không tới chục ngàn hecta. Thậm chí bây giờ không chỉ ASC ao tôm mà lan ASC cơ sở chế biến rồi, thêm khó. Bên cạnh đó muốn thực thi các bộ tiêu chí trên, tạm lấy nền tảng là ESG thì ít ra trước đó DN phải có sự lưu tâm xây dựng văn hóa DN, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, phải quan tâm trách nhiệm xã hội…
Các DN ta, đa phần hình thành không tròn bài bản, nên thiếu trước hụt sau ý thức xây dựng các nền tảng trên. Xuất phát điểm thấp, bù lại, bây giờ phải có sự nỗ lực cao độ hơn bao giờ hết, nếu muốn DN vượt qua các khó khăn và vững vàng trên thương trường. Đây là chuyện chiều sâu, theo đuổi lâu dài. Trước mắt, trong bối cảnh khó này, cần có giải pháp thiết thực như bài viết trước đã nêu ra, kết hợp với động thái hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước.
Trở lại với giá tôm, từ những ngày trung tuần tháng 6 này, giá tôm đã bắt đầu “ngẩng mặt”, tuy còn chậm chạp. Nhưng dù sao cũng là một tín hiệu đáng mừng, một niềm an ủi tuy nhỏ nhoi nhưng đáng quý. Các mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm, trong khó khăn, đã ít nhiều có ý thức nên đoàn kết lại, chia sẻ khó khăn và những giá trị tạo ra. Chỉ có thể cùng bắt tay nhau mới tồn tại, minh chứng cụ thể trong hành động là VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã họp mặt để xây dựng liên minh. Liên minh này muốn phát huy hiệu quả tốt hơn cần có sự tham gia của các mắt xích còn lại, chủ trì buổi họp đã nhấn mạnh điểm khá mấu chốt này.
Hy vọng cơn bão giông khó khăn hôm nay, một mặt có sức tàn phá nhưng qua đó cũng sẽ phá vỡ những điểm nghẽn của ngành tôm tồn tại lâu dài lâu nay. Riêng các DN chế biến phải quan tâm hơn lúc nào hết ý thức và thực hiện bộ tiêu chí DN bền vững, đó là con đường duy nhất và tất yếu bảo đảm sự tồn tại và phát triển dài lâu của DN chế biến, qua đó thể hiện được vai trò đầu tàu của chuỗi giá trị con tôm. Tuy nhiên, không chỉ DN chế biến, các mắt xích còn lại cũng phải vươn mình đồng bộ, để con thuyền tôm ta mới có thể mạnh mẽ vượt sóng trên biển lớn.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN