Một cổ đông, không phải là lớn, rất thiện chí nhắc tôi là năm 2020 có 2 sự kiện thể thao lớn trên thế giới, có thể là cơ hội kinh doanh. Anh bạn kia, không trong cuộc, nhưng rất hay là có cái nhìn của doanh nhân, luôn chú ý các cơ hội để vượt lên. Tôi nợ anh ta lời cám ơn chân tình.
Anh ta chắc coi kỹ thị phần hãng tôi, mạnh ở EU và Nhật Bản. Hai sự kiện anh nêu là hai lễ hội thể thao lớn, Olympic ở Nhật Bản và chung kết bóng đá Euro. Lễ hội kéo theo du khách, tăng tiêu thụ. Mà thực phẩm thì ăn hàng ngày. Tôm là thực phẩm bổ dưỡng, thơm lại ngon lại càng được ưa chuộng. Dĩ nhiên tôi ghi vô sổ chuyện này để có dịp là trao đổi đối tác mua hàng để đánh giá mức tăng trưởng hợp đồng là bao nhiêu, để còn sự chuẩn bị cho đồng bộ.
Cơ hội kinh doanh muôn hình vạn trạng. Phải chú tâm, nhìn thấu đáo mới tìm thấy, tận dụng, đi trước. Cơ hội đó có thể công khai như hai sự kiện nêu trên, hoặc có thể là bản tin vô thưởng vô phạt như cơn bão thế kỷ sẽ đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) hay lũ lụt nặng nề vùng ven biển Ấn Độ. Đó là cơ hội kinh doanh tốt, nếu biết suy nghĩ! Bởi bão lũ đi qua các vùng nuôi tôm lớn của thế giới, tàn phá thôi, thiệt hại thôi, sức cung bị giảm, giá sẽ tăng, ký vội chi hợp đồng! Cộng đồng doanh nghiệp tôm Việt từng bị lần khốn đốn thậm chí là khởi đầu cho phá sản sau đó, do không tìm thấy cơ hội kinh doanh từ nội dung tương tự nói trên.
Năm 2009, sự cố dàn khoan BP làm tràn dầu vịnh Mexico khiến hải sản và chim vùng này bị chết. Người tiêu dùng quan ngại ăn hải sản khai thác ở đây vì tồn lưu dầu. Trong khi đó các nhà máy tôm Việt đang tồn hàng tôm cỡ lớn vì hậu quả khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2007-2008, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, ăn tôm cỡ nhỏ cho giảm chi tiêu. Vùng vịnh Mexico là kho tôm nâu cỡ lớn cho Hoa Kỳ. Nay mất nguồn, họ sang tìm tôm cỡ lớn ở VN. Các doanh nhân tôm Việt như bắt được vàng khi bán được hết tồn kho tôm lớn, HLSO BT 13/15, dù giá rất thấp, và ký vội thêm nhiều hợp đồng vì cứ nghĩ mình may mắn. Tư tưởng lớn gặp nhau.
Tất cả dính bẫy các nhà nhập khẩu tôm từ Hoa Kỳ. Bởi ai cũng đầy hợp đồng cỡ tôm này, phải tranh mua tôm, mà cỡ này có hạn. Vì áp lực giao hàng, phải tăng giá mua. Có tăng giá mua thì sản lượng cũng không tăng vì nhà máy nào cũng có nhu cầu, sẵn sàng tăng giá. Chưa ai thống kê qua sự cố đó các nhà máy tôm Việt thiệt hại bao nhiêu và bao nhiêu nhà máy đã đóng cửa có khởi đầu từ sự cố đó. Nêu lên chuyện không vui trên đâu hay ho gì, nhưng đó là một minh hoạ cho tính thiếu chuyên nghiệp của doanh nhân tôm Việt. Thiếu thông tin cho nhau, thiếu liên kết, và thiếu ý thức theo dõi tình hình thế giới để nhận diện cơ hội kinh doanh cho mình. Nhưng chắc sau đó, kinh nghiệm thương đau này đã được nhập tâm để tồn tại và phát triển như bây giờ.
Như nói trên cơ hội kinh doanh hết sức phong phú lẫn phức tạp. Tìm ra có thể rất dễ dàng, có thể do tình cờ, nhưng đa phần các cơ hội tốt phải động não. Tìm ra rất dễ dàng là EVFTA sắp ký kết, có thể năm sau thuế tôm vào EU không còn, thị phần ở đây sẽ rộng cửa. Tình cờ, thí dụ như qua đàm phán, số đông đối tác yêu cầu cung hàng cỡ nhỏ nhiều dẫn đến sự tổng hợp là xu thế người tiêu dùng chuyển qua tiêu thụ tôm cỡ nhỏ hoặc thị trường thiếu cỡ tôm này.
Nguyên nhân do đâu chưa vội tìm hiểu, nhưng chắc chắn là nhà máy đó tính toán cho vùng nuôi tôm của mình sẽ thay đổi quy trình nuôi. Sẽ thả tôm mật độ dầy lên và thu hoạch tôm cỡ nhỏ hơn, dễ bán! Động não là phải có sự thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích và rút ra kết luận. Kết luận đó là cơ hội kinh doanh. Tôi xin mạn phép ghi ra đây một chuyện minh họa. Công ty Sao Ta hoạt động đầu năm 1996, có một xưởng chế biến tôm không lớn, vốn cố định 19 tỷ đồng. Vốn lưu động phải đi vay. Cuối năm 1997, Sao Ta vay vốn ngân hàng xây thêm xưởng chế biến nông sản. Nhưng cũng từ giữa cuối 1997, có rất nhiều đoàn khách Nhật Bản tìm về miền Tây. Lúc đó đa phần nhà máy làm tôm block, chỉ có Kim Anh làm tôm duỗi.
Từ năm 1994 Bộ Thuỷ sản đã triển khai chương trình cải thiện điều kiện sản xuất trong nhà máy thuỷ sản. Nhưng các đoàn khách Nhật khá thất vọng vì hoàn cảnh nhà xưởng ta lúc bấy giờ, quá bết bát. Thậm chí có nhà máy không có cái nhà vệ sinh cho khách cho ra hồn! Luồng khách Nhật qua Việt Nam vì lúc đó bên Indonesia loạn lạc, họ đã mua hàng chế biến bên đó lâu dài, nhưng nay không an tâm vì xã hội bất ổn. Nhận thấy một cơ hội kinh doanh lớn, để tranh thủ kịp thời cơ, Sao Ta tuy là quốc doanh nhưng đã quyết định xin ngân hàng cho làm lại hồ sơ, là xây xưởng thuỷ sản tinh chế thay vì nông sản.
Rất cám ơn sự năng động của BIDV lúc đó. Sao Ta đã cam kết với khách hàng Nhật sẽ hoàn thiện xưởng tinh chế tôm trong nữa năm, trên nền tảng cải tạo lại xưởng nông sản xây dở dang. Thiết bị cấp đông lúc bấy giờ phổ biến là tủ đông tiếp xúc, không phù hợp cấp đông sản phẩm chứa bằng khay. Sao Ta chạy vạy tìm hiểu các nơi và sự hỗ trợ từ khách hàng Nhật. Trời xui đất khiến, mèo mù vớ cá rán, một cơ sở cung ứng trên Sài Gòn đang sản xuất thiết bị đông gió cưỡng bức, cái thứ hai, và theo đơn đặt hàng. Lúc đó là mới nhất VN. Xếp hàng thì trễ cơ hội. Cuối cùng chủ cơ sở tốt bụng kia đã giao thiết bị đó cho Sao Ta và tranh thủ tăng cường làm bù cái đã có hợp đồng.
Sao Ta làm con đường dẫn vào xưởng lúc mưa về và chưa thông qua thiết kế. Nhưng tất cả vì thời cơ. Cuối quý ba năm 1998, xưởng làm tôm duỗi và tôm bao bột đi vào hoạt động có sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên Nhật. Đơn hàng làm không xiết. Hoàn vốn trong nữa năm. Năm đó Sao Ta dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước và thị phần ở Nhật Bản hơn 80%. Sao Ta đã tranh thủ được cơ hội kinh doanh, trong khi nhiều đồng nghiệp lo ngại vướng thủ tục pháp lý và rủi ro nên không mạnh dạn vay tiền nâng cấp nhà xưởng. Vì sao tôi ghi ra kinh nghiệm này? bởi nó là nền tảng để Sao Ta tiếp tục vượt lên.
Tôi muốn nói, một thời cơ tranh thủ kịp lúc có thể trở thành một sức mạnh, một nền tảng để duy trì nhịp độ phát triển khá ổn định cho lâu dài. Nói chung, cơ hội kinh doanh tốt là nền tảng cho sự tăng trưởng, thậm chí bức phá. Cơ hội kinh doanh tới bất kỳ lúc nào, nhưng muốn nhận diện được nó cần những cái đầu có chủ định, nhạy bén, biết đãi cát tìm vàng. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, tìm cơ hội kinh doanh là chuyện thiết yếu của các nhà kinh doanh. Mọi chuyện, dù tưởng như đơn giản, đều có thể là cơ hội kinh doanh, nếu biết khai thác đúng lúc. Thậm chí một đồng nghiệp mình đang thất thế cũng là cơ hội kinh doanh. Khách hàng của đồng nghiệp đang “bơ vơ”, ai nhanh tay “chia sẻ” trước sẽ hưởng lợi! Chuyện này ghi ra thấy như có vẻ không hay ho lắm, nhưng thực tế là như vậy!
Tóm lại, thời buổi này hết sức coi trọng mọi cơ hội kinh doanh. Muốn vậy, doanh nhân tôm Việt phải lao tâm tổn sức nhiều hơn. Phải am hiểu nhiều lĩnh vực, từ nuôi, chế biến, khai thác; từ diễn biến tình hình các thị trường tiêu thụ; từ diễn biến xu thế người tiêu dùng; các vấn đề không riêng lĩnh vực kinh tế mà phải toả ra các lĩnh vực tài chánh, chính trị, xã hội... Tất cả trên phạm vi thế giới! Ai nói làm giám đốc là sướng, ai nói nhà chế biến có lãi nhiều là ép giá người nuôi tôm. Làm giám đốc vô vàn vất vả như phân tích trên. Và lợi nhuận thu được có một phần đáng kể từ biết bao nơ ron thần kinh tiêu đi trộn với mồ hôi, mệt mỏi trong quá trình bươn chải đưa con tôm Việt đến đúng nơi đúng chỗ.
TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN