Phát huy thế mạnh con tôm trong xuất khẩu thủy sản

Phải khẳng định rằng, chế biến thủy sản xuất khẩu đối với con tôm - mặt hàng chủ lực - chính là thế mạnh kinh tế hàng đầu của tỉnh. Đến nay, Bạc Liêu đứng vị trí thứ 3 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về xuất khẩu tôm.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho sản lượng lớn của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (TP. Bạc Liêu).

Giữ vững tăng trưởng

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu tôm của tỉnh trong 2 năm gần đây cho thấy, thế mạnh này đã và đang được đầu tư khai thác tốt. Bất chấp những khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu vẫn được duy trì và tiếp tục giữ được tăng trưởng khá. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 853 triệu USD, tăng 9,92% so với cùng kỳ (trong đó, tôm đông lạnh đạt trên 830 triệu USD và tăng 9,9% so với cùng kỳ). Riêng 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 676 triệu USD và tăng 7,19% so với cùng kỳ (trong đó, tôm đông lạnh ước đạt hơn 659 triệu USD và tăng 7,22% so với cùng kỳ).

Con tôm xuất khẩu tuy giữ được tăng trưởng, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp (DN), đó là kết quả của các đơn hàng đã được ký kết từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Dự báo 3 tháng cuối năm nay và năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức và phải cạnh tranh khá nhiều về nguồn nguyên liệu, giá bán, thị trường với những nước sản xuất tôm lớn. Đặc biệt, tình hình sẽ khó khăn hơn nếu như chiến sự giữa Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài và suy thoái kinh tế, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn không được cải thiện.

Theo phản ánh của các DN xuất khẩu, ngoài khó khăn chính là DN cần tăng cường đầu tư vốn với lãi suất ưu đãi, thì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cùng phí vận chuyển, lưu kho cũng trở thành gánh nặng cho DN. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu và lao động không ổn định, các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu vẫn còn nhiều khắt khe và các DN phải cạnh tranh khá khốc liệt với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như: Ecuador và Ấn Độ, đã làm giảm đi lợi nhuận của DN và đẩy một số DN chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh vào cảnh rủi ro cao, thậm chí một số DN hiện nay chỉ tồn tại về mặt pháp nhân, còn hoạt động chế biến xuất khẩu hàng hóa đã cho DN khác thuê.

Ngoài khó khăn này, việc mở rộng thêm thị trường mới từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên của các DN trên địa bàn không nhiều, vì đa số các DN của tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh, kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về quản trị, thị trường thế giới và cả am hiểu về luật pháp quốc tế. Do vậy, chưa đủ năng lực nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật; luôn bị động và lúng túng trong việc tiếp cận và khai thác thêm thị trường mới. Công tác xúc tiến thương mại còn rất hạn chế, DN chỉ tham gia ít, hoặc không tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh hay các hội nghị kết nối cung - cầu trong, ngoài tỉnh…

Tuy hoạt động xuất khẩu thủy sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng nhìn trên tổng thể và so với những năm trước đây thì ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đã phát triển khá nhanh về quy mô. Hiện Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, cùng dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm thủy sản bước đầu đã được quan tâm chế biến sâu và thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường khác trên thế giới.

Có được kết quả trên là do Tỉnh ủy, UBND tỉnh thời gian qua đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều giải pháp trọng tâm cho thế mạnh kinh tế chủ lực này. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, đưa sàn giao dịch điện tử vào hoạt động, nhằm giúp DN và người dân kết nối, mua bán trực tuyến; thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, đảm bảo yêu cầu và chất lượng, đáp ứng nguyên liệu phục vụ tốt cho chế biến thủy sản xuất khẩu…

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt - Úc (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển và kịp thời chia sẻ khó khăn cùng DN, ngành Công thương tỉnh sẽ tiếp tục thông tin kịp thời về tình hình xuất khẩu hàng hóa để DN yên tâm và chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ các DN chế biến xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các DN đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; khuyến khích các DN đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng, hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một số thị trường. Tuân thủ các quy định tại các thị trường xuất khẩu, chú trọng nghiên cứu thị trường và các thủ tục xuất nhập khẩu; nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký DN, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt phải giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống: Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới từ các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên.

Song song đó, sẽ hỗ trợ các DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các DN đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa và quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu; tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành; xây dựng và cập nhật thường xuyên trên các trang web của DN những thông tin cụ thể về quảng bá sản phẩm xuất khẩu, quảng bá DN; xây dựng và mở rộng các mô hình hợp tác mới, liên kết chặt chẽ trong chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ theo các đơn đặt hàng giữa người sản xuất và các thành phần kinh tế khác; tăng cường tham dự các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế do các địa phương, cơ quan Trung ương tổ chức, nhằm tăng cường kết nối trực tiếp - đây là cơ hội tốt để các DN có thể mở rộng thị trường xuất khẩu; đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là sản xuất hàng hóa xuất khẩu…

Theo Báo Bạc Liêu

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm