Cuộc họp cấp Bộ trưởng WTO về trợ cấp thủy sản cam kết sớm đi đến Hiệp định trợ cấp thủy sản của WTO

Ngày 15/7, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tổ chức Cuộc họp Ủy ban đàm phán thương mại (TNC) cấp Bộ trưởng về trợ cấp thủy sản theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại trụ sở WTO ở Geneva. Đại diện 128 thành viên đã tham dự, trong đó có 104 đoàn đã phát biểu tại cuộc họp.
Cuộc họp cấp Bộ trưởng WTO về trợ cấp thủy sản cam kết sớm đi đến Hiệp định trợ cấp thủy sản của WTO
Cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng của WTO về trợ cấp thủy sản ngày 15/7

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn và đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Ngoại giao, Tư pháp, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã tham dự cuộc họp trực tuyến.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva, tham dự cuộc họp trực tiếp tại trụ sở WTO.

Đàm phán trợ cấp thủy sản đã được khởi động cách đây 20 năm, song do quan điểm, lợi ích của các thành viên còn nhiều khác biệt nên chưa đạt được sự đồng thuận.

Các thành viên chưa thực hiện được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 14.6 của Chương trình Nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2015.

Trong đó, Lãnh đạo cấp cao các nước nhất trí đưa ra hạn đến năm 2020 phải cấm các loại trợ cấp là nguyên nhân gây ra việc gia tăng khai thác quá mức/gia tăng năng lực khai thác quá mức, cũng như xóa bỏ trợ cấp đối với khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU).

Cuộc họp WTO cấp Bộ trưởng ngày 15/7 do nữ Tổng Giám đốc WTO kiêm Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại của WTO (TNC) bà Ngozi Okonjo-Iweala chủ trì.

Sự kiện này nhằm tranh thủ sự ủng hộ về chính trị của các thành viên WTO vào giai đoạn nước rút để có thể kết thúc đàm phán trợ cấp thủy sản – nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đại dương, của nguồn lợi hải sản và cuộc sống của hàng triệu người dân trên thế giới – trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC 12) vào cuối tháng 11/2021.

Tại cuộc họp, các thành viên WTO cam kết sẽ kết thúc đàm phán sớm trước MC12 của WTO và trao quyền cho Phái đoàn các nước tại Geneva.

Các thành viên WTO cũng xác nhận rằng, văn bản đàm phán hiện tại có thể được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán thời gian tới để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Theo Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala, các Bộ trưởng và Trưởng Phái đoàn đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đưa các cuộc đàm phán này đi đến đích.

Các thành viên đã có sự thống nhất chung về tầm quan trọng của an ninh lương thực và cuộc sống của những người đánh bắt thủy sản thủ công ở các nước đang phát triển và kém phát triển…

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, 1/3 trữ lượng cá toàn cầu bị đánh bắt quá mức. Con số này tăng từ 10% vào năm 1970 và 27% vào năm 2000.

Nguồn dự trữ cạn kiệt đe dọa cuộc sống của người dân ven biển có thu nhập thấp và sinh kế của những ngư dân nghèo, dễ bị tổn thương.

Mỗi năm, chính phủ các nước cung cấp khoảng 35 tỷ USD trợ cấp nghề cá, 2/3 trong số đó dành cho đánh bắt cá thương mại.

Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã xác định tiêu chí đạt thỏa thuận trợ cấp thủy sản đến năm 2020 là một phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững và các Bộ trưởng Thương mại các thành viên WTO đã tái khẳng định cam kết này vào năm 2017.

Các vấn đề khó khăn cần giải quyết là làm thế nào để mở rộng đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên WTO đang phát triển và kém phát triển nhất, trong khi vẫn duy trì mục tiêu tổng thể là nâng cao tính bền vững của đại dương.

Các Bộ trưởng cho rằng, cuộc sống của những người đánh bắt thủ công nghèo và dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển và kém phát triển có tầm quan trọng lớn, cũng như yêu cầu đảm bảo mục tiêu bền vững trong các cuộc đàm phán.

Nữ Tổng giám đốc Okonjo-Iweala cho rằng, đoàn đại biểu các thành viên WTO cần chuẩn bị cho một giai đoạn đàm phán chuyên sâu.

Khi bước vào giai đoạn mới thảo luận dựa trên văn bản, trách nhiệm kết thúc các cuộc đàm phán này thực sự thuộc về các thành viên WTO.

Để đạt được Hiệp định, các thành viên cần tìm ra những sự đánh đổi và linh hoạt cần thiết. Việc đạt kết quả thành công trước MC12 là trách nhiệm của các thành viên. Thế giới đang theo dõi.

Người đứng đầu WTO cũng cho biết, cuộc đàm phán trợ cấp thủy sản là một phép thử đối với cả uy tín của WTO với tư cách là một diễn đàn đàm phán đa phương và cả đối với khả năng của hệ thống thương mại trong việc ứng phó với các vấn đề của cộng đồng toàn cầu.

Bà Okonjo-Iweala nêu rõ: "Nếu chúng ta chờ đợi thêm 20 năm nữa, có thể sẽ không còn hải sản để trợ cấp, hoặc không còn các cộng đồng khai thác hải sản thô sơ để hỗ trợ".

(Theo báo Thế giới và VN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục