Thủ tướng đề nghị ra chỉ thị về các giải pháp cấp bách duy trì sản xuất, kinh doanh

(vasep.com.vn) Ngày 3/3/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch COVID-19. Tại phiên họp, Chính phủ sẽ đánh giá tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020, nhất là đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Được biết, Chỉ thị này sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về: (1) vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; (2) cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; (3) bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; (4) tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; (5) thúc đẩy đầu tư và giải ngân; (6) rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, có một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính nâng gói hỗ trợ tài khóa từ 27.000 tỷ đồng lên thành gói 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được giao là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, các cơ quan, các chuyên gia hoàn chỉnh Dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Giải pháp đầu tiên được nêu tại Dự thảo là chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, bảo đảm xác định đúng đối tượng thụ hưởng, không để trục lợi chính sách.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

Về chính sách thuế - phí, xem xét gia hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất, một số khoản phí, lệ phí, không phạt chậm nộp thuế đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm đúng quy định pháp luật; chuẩn bị phương án đảm bảo cân đối thu chi, đặc biệt phải bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trên cơ sở đó, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh cảng, kho bãi giảm giá, phí bốc xếp, lưu kho, lưu bãi, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, cảng đường thủy nội địa, hạ tầng đường sắt. Tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình lớn, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội.

Nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản.

Kết quả trên vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đưa ra sau khi khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh.

74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. 

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì Covid-19, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ... 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM