Doanh nghiệp kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ bất cập trong thực thi chương trình chống khai thác IUU

(vasep.com.vn) Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra ngày 13/4/2023, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và TM Thuận Phước đã có bài phát biểu chia sẻ và kiến nghị liên quan đến bất cập trong qui định và thực thi chương trình chống khai thác IUU đang làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác của Việt Nam.

Chú thích ảnh

1. Về quy định của luật

Kiến nghị nghiên cứu, rà soát lại những nội dung, quy định chưa phù hợp với thực tế mà EC không khuyến nghị thì nên điều chỉnh hoặc bãi bỏ. Chẳng hạn:

a) Việc quy định tàu có chiều dài từ 15m trở lên chỉ được khai thác vùng khơi, nhưng thực tế một số nghề khai thác các loài cá nổi (như cá cơm, cá nục, ruốc…) chủ yếu phải khai thác ở vùng lộng mới đánh bắt được, nhất là vùng biển miền Trung biển sâu, nước chảy xiết.

Kiến nghị:

- Quy định đánh bắt vùng lộng, vùng khơi nên áp dụng cho từng nhóm nghề khai thác cho phù hợp. Cụ thể:

- Nghề lưới kéo: nên quy định như hiện nay và kiên trì giảm hạn ngạch (không cấp thêm GPKT đối với nghề lưới kéo, những tàu chuyển nghề thì giảm hạn ngạch) để bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi.

- Đối với nghề khai thác các loại cá nổi, đi theo đàn, như nghề vây, nghề lưới cản đánh bắt cá cơm, cá nục, cá trích, cá ngừ, nghề khai thác ruốc, chụp mực; nghề câu, lồng bẫy… đề nghị xem xét cho phép hoạt động ở vùng lộng hoặc điều chỉnh giảm vùng lộng về diện tích tối thiểu (vì những đối tượng khai thác này chủ yếu xuất hiện trong vùng lộng, không đánh bắt cũng sẽ tự mất, chết theo tự nhiên).

b) Việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nên tập trung vào các giải pháp:

- Quản lý chặt kích thước mắt lưới tối thiểu cho phép khai thác;

- Hình thành và tăng cường quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn biển, các rạn san hô ven bờ, các đảo để làm nơi cư ngụ, sinh sản của các loài thủy sản.  

- Đề xuất và quản lý chặt việc cấm đánh bắt theo mùa, theo loài đối với từng loại thủy sản.

- Kiên quyết xử lý và phạt thật nặng các hành vi vi phạm.

2. Về tổ chức thực hiện

a) Đối với ngư dân

Thực trạng:

Do nguồn lợi biển suy giảm, hiệu quả khai thác không cao, thu nhập lao động biển không ổn định, khó khăn, phụ thuộc lớn vào nguồn lợi, thời tiết… để duy trì hoạt động, giữ chân bạn thuyền, chủ tàu phải tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội để nâng cao năng suất, hiệu quả chuyến biển, nên có tình trạng cố tình đánh sai vùng, tắt máy giám sát hành trình, sang vùng biển nước ngoài để khai thác…

Thiết bị giám sát hành trình hiện nay chưa ổn định, thường xuyên bị mất kết nối, hỏng nguồn, khả năng sử dụng hạn chế nên nhiều trường hợp không phân biệt vùng khơi, vùng lộng… khi về bờ phải giải trình, bị xử lý, bất cập.

Việc ghi nhật ký khai thác giấy đối với ngư dân khai thác trên biển khó khăn nên thường ghi đối phó, ghi không đúng để đối phó với cơ quản quản lý…

Sản phẩm khai thác về chủ yếu bán qua nậu vựa, ít nhiều giảm giá trị do ép cấp, ép giá…

Trình độ của ngư dân còn hạn chế, hầu hết chưa qua đào tạo, theo kinh nghiệm, truyền thống là chính.

Kiến nghị: Trong điều kiện mưu sinh của ngư dân hiện nay, khả năng, nhận thức chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá trách nhiệm, bền vững, hội nhập cần thời gian dài, do đó xin kiến nghị Chính phủ, nhà nước:

- Có chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân trong đào tạo lao động nghề cá, cần chuyển giao cho ngư dân kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản

- Có chính sách thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm khai thác hợp pháp của ngư dân

b) Đối với doanh nghiệp

Thực trạng: Hiện nay DN thường không mua sản phẩm trực tiếp từ ngư dân mà phải mua qua nậu vựa, mua qua nhiều nguồn nên không có đủ căn cứ để nghị Tổ chức quản lý cảng cá cấp biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng. Trường hợp, có mua được thì chưa chắc tàu đó hoàn toàn hợp pháp (không gián đoạn giám sát hành trình, khai thác đúng vùng...) hoặc có tàu hợp pháp thì sản lượng thực tế rất ít, không có sản lượng so với sản lượng thực tế thu mua…

Thực tế, đặc thù Việt Nam có nghề cá nhỏ, một số loài có thể XK được như mực, cá cơm… nhưng lại được đánh bắt ven bờ bằng tàu, thuyền nhỏ, không định vị và không làm được giấy xác nhận khai thác…

Kiến nghị:

- DN chúng tôi mong muốn các quy định nên linh hoạt với đặc thù nghề cá nhỏ của Việt Nam để tận dụng nguyên liệu ven bờ để có thể XK được

- DN mong muốn được chia sẻ/cung cấp thông tin hoặc CSDL tàu cá, để biết nguồn nguyên liệu nào là hợp pháp để thu mua

c) Đối với Tổ chức quản lý cảng cá

Thực tế:

Hầu hết các cảng cá là đơn vị sự nghiệp tự thu tự chi hoặc doanh nghiệp, công ty Cổ phần không đủ thẩm quyền (kể cả nhân lực và phương tiện) để xử lý một số trường hợp vi phạm. Bản thân Tổ chức quản lý cảng cá cũng phải lo doanh thu để đảm bảo đời sống thu nhập cho NLĐ.

Việc thẩm định, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) của Tổ chức quản lý cảng cá có những khó khăn nhất định do các yếu tố như: 

- Chủ hàng thu mua thủy sản qua nậu vựa, thu gom từ nhiều nguồn, không mua trực tiếp từ tàu cá nên không có cơ sở cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng;

- Nhận thức và ý thức của các chủ tàu về chống khai thác IUU chưa đúng, chưa đủ, không có trình độ xử lý thủ tục về khai, nộp nhật ký khai thác khiến cho việc đối chiếu số liệu tại cảng khó khăn

- Năng lực và trang thiết bị hỗ trợ tại các cảng cá không có đủ

Kiến nghị:

- Tách biệt trách nhiệm QLNN ra khỏi Tổ chức quản lý cảng cá để việc thực thi pháp luật tốt hơn.

- Chính phủ và Bộ NN và PTNT quan tâm đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng cảng cá, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên cảng cá, cải tiến các trang thiết bị và qui trình thực hiện thủ tục xác nhận, chứng nhận để đạt hiệu quả, nhanh, chính xác và phù hợp với thực tiễn.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM