(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1/2022 đạt trên 313 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều tăng trưởng khả quan.
Xuất khẩu trong tháng đầu năm tăng trưởng khá khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký cuối năm 2021. Đây cũng là nỗ lực của doanh nghiệp và toàn ngành đồng thời là tín hiệu hứa hẹn cho một năm thành công của hoạt động xuất khẩu tôm cả nước.
Tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 76%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 238 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 43 triệu USD, tăng 92%. Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 157%.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Xuất khẩu tôm đi Mỹ tháng 1/2022 đạt hơn 67 triệu USD, tăng 9% so với tháng 12/2021 và tăng 61% so với tháng 1/2021.
Năm 2021, trên thị trường Mỹ, mặc dù giá trung bình xuất khẩu của tôm Việt Nam vẫn còn phải cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng đã ghi nhận cao hơn các nước này. Với sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của tôm Ecuador trên thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong top các nguồn cung tôm chính cho Mỹ với tỷ trọng giá trị tăng từ 10,7% năm 2020 lên 12% năm 2021 và tỷ trọng khối lượng tăng từ 8,8% lên 9,8% tổng NK tôm của Mỹ.
Dù hiện tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 1/2022, tuy nhiên chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ vẫn ổn định nhờ các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhu cầu tôm của Mỹ dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.
Xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam, Nhật Bản đạt trên 54 triệu USD trong tháng 1 năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm nay đạt gần 54 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang 3 thị trường nhập khẩu chính trong khối là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 116%, 32% và 91%.
Trái với các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tháng đầu tiên của năm nay giảm.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm trong hầu hết các tháng của năm 2021, trừ tháng 12, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng do thị trường này tăng nhập để phục vụ Tết Nguyên đán. Bước sang tháng 1/2022, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm trở lại, ít nhiều do ảnh hưởng của chính sách “không Covid”, kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu của Chính phủ nước này. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 1 năm nay đạt hơn 18 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty chế biến tôm lớn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều có nhu cầu tuyển thêm nhiều công nhân, hoạt động xuất khẩu sôi động ngay trong những ngày đầu năm mới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, hứa hẹn 1 năm xuất khẩu mang lại những bước tăng trưởng đột phá.
Theo một số doanh nghiệp chế biến tôm, tháng đầu năm nay, tâm lí công nhân ổn định, tinh thần khách hàng tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong tình hình mới là sống chung với Covid-19 nên đây cũng là những tín hiệu đáng lạc quan cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay.
Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao...vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.
Để nắm bắt toàn cảnh bức tranh sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam trong nước và xu hướng trên thị trường thế giới từ năm 2016 đến 2021, xin mời Quý độc giả tham khảo Báo cáo ngành hàng tôm 2016 - 2021, dự báo tới 2025