Tôm Bangladesh tập trung vào thị trường mục tiêu EU

(vasep.com.vn) Bangladesh là một trong 10 quốc gia sản xuất tôm hàng đầu thế giới. Kim ngạch XK đạt trên dưới 500 triệu USD mỗi năm. Bangladesh đứng thứ 5 thế giới về sản xuất tôm sú. Thị trường xuất khẩu chủ lực của Bangladesh là Liên Minh Châu Âu, Mỹ, Nhật và một số quốc gia Trung Đông.

EU là thị trường NK lớn nhất của tôm Bangladesh trong khi Bangladesh là nguồn cung tôm lớn thứ 6 cho EU sau Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Argentina. Như vậy, thị trường mục tiêu của Bangladesh khác với các nguồn cung đối thủ như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan khi các nước này có thị trường NK lớn nhất là Mỹ.

Trong 10 năm (2007-2016), XK tôm của Bangladesh không ổn định và có xu hướng giảm trong 4 tháng đầu năm nay. Năm 2016, XK tôm của Bangladesh đạt 471,4 triệu USD; tăng 22,7% so với năm 2015. Các thị trường NK chính tôm Bangladesh như Anh, Nhật Bản, Pháp, Mỹ lần lượt tăng 7%, 106%, 42% và 90%.  Các thị trường tiêu thụ chính tôm Bangladesh gồm EU (chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch XK tôm của nước này); Mỹ (chiếm 13%) và Nhật (chiếm 7%).

Bốn tháng đầu năm 2017, Bangladesh XK 102,5 triệu USD tôm; giảm 28% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK sang các thị trường chính như Anh, Nhật Bản, Pháp và Mỹ lần lượt giảm 7%, 20%, 7% và 65%.

Tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là sản phẩm XK nhiều nhất của Bangladesh, chiếm 96% tổng các sản phẩm tôm XK của nước này trong năm 2016. Tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) đứng thứ 2, chiếm 2,7%. Tôm mã HS 030617 được XK nhiều nhất sang thị trường EU gồm Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức… Tôm mã HS 160521 chủ yếu được XK sang Bỉ, Nga, Đan Mạch…

Từ một nước sản xuất nhỏ, Bangladesh đã lọt vào top 10 nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Trước đây, nước này chỉ nuôi tôm sú theo phương thức truyền thống. Hiện giờ, Bangladesh đã áp dụng hệ thống nuôi thâm canh, bán thâm canh và cải tiến để tăng năng suất. Sau năm 2012, chính phủ Bangladesh chính thức cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng giúp đẩy mạnh sản lượng tôm nuôi.

Người nuôi một số tỉnh ven biển đã xây ao nuôi cao hơn để bảo vệ tôm suốt mùa lũ; đồng thời trồng thêm cây xanh, hoa màu trên bờ đê quanh ao để chống xói mòn và giảm bùn thải trong ao nuôi. Một số nơi dựng hàng rào bảo vệ và lưới quanh ao để hạn chế thất thoát, cũng như sự xâm nhập của những động vật ăn thịt trong tự nhiên. Họ sử dụng kênh tưới tiêu ngầm cùng hệ thống thoát nước thích hợp hỗ trợ nuôi tôm mùa khô. Ngoài ra, Chính phủ cũng giới thiệu một số loại lúa chịu hạn và chịu mặn tốt trồng xen nuôi tôm. Mô hình kết hợp tôm nước lợ, ngọt bắt đầu được nhân rộng ở nhiều tỉnh. Chính phủ cũng khuyến khích nông dân tích trữ nước mùa mưa và đẩy mạnh hoạt động trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu những tác động từ các đợt thủy triều dâng.

EU dự kiến vẫn là thị trường NK chủ lực tôm Bangladesh trong năm nay nhờ Bangladesh có lợi thế về sản xuất tôm sú, đáp ứng nhu cầu của một số nước EU trong khi các nước sản xuất tôm lớn khác trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador không có được. Bên cạnh đó, Từ năm 2016, EU đã nới lỏng quy định đối với tôm NK từ Bangladesh , bãi bỏ điều khoản yêu cầu phải có chứng thư cho từng lô tôm NK từ nước này.

Xuất khẩu tôm của Bangladesh (Nguồn: ITC, GT: nghìn USD)

Thị trường

2016

T1-T4/2016

T1-T4/2017

Tăng, giảm (%)

TG

471.353

142.373

102.452

-28

Anh

85.104

36.098

32.635

-9,6

Nhật Bản

32.054

7.911

6.364

-19,6

Pháp

28.489

9.116

8.444

-7,4

Mỹ

62.425

26.069

9.175

-64,8

Bồ Đào Nha

5.603

1.002

1.302

29,9

Thụy Sỹ

4.068

1.017

1.131

11,2

Iceland

179

57

74

29,8

Ireland

199

38

38

0,0

Đức

52.541

13.485

9.028

-33,1

Hy Lạp

1.699

830

160

-80,7

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm