Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 10-15% trong năm 2024

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có tăng trưởng nhẹ trong năm 2024.

Bà Trần Thụy Quế Phương phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bà Trần Thụy Quế Phương phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sáng 23-2, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024.

Tại hội nghị, bà Trần Thụy Quế Phương - chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đã đưa ra những nhận định về thách thức, cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2024.

Bà Phương cho biết theo đánh giá, những yếu tố tiêu cực trong năm 2023 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024, vì thế dự đoán ngành tôm toàn cầu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng kém trong năm nay.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Về thị trường, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% đến 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

"Do những ảnh hưởng của chiến tranh, của biến động ở Trung Đông và chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ là lợi thế.

Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới", bà Phương nói.

Giảm rủi ro trong nuôi tôm sẽ giảm giá thành sản xuất

Tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết nằm trong nhóm "câu lạc bộ tỉ USD" (xuất khẩu tôm trên 1 tỉ USD) trong nhiều năm nhưng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt hơn 900 triệu USD.

 

Từ đó cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau thời gian gần đây bấp bênh, chậm. Nguyên nhân là do diện tích nuôi tôm phổ biến ở Cà Mau là nhỏ lẻ, tình hình nuôi còn mang tính tự phát, chưa liên kết, khó ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn tới năng suất thấp, hiệu quả chưa cao so với các địa phương khác.

Ông Sử cho rằng vấn đề giá thành hiện nay là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp trước mắt và lâu dài khắc phục thì khó khăn còn phải đối mặt trong năm 2024 và trong thời gian tới.

"Theo tôi, khả năng đóng góp lớn vào việc giảm giá thành nằm ở khâu tổ chức sản xuất của chúng ta. Liên kết chuỗi cũng là một phần, nhưng chúng ta không hy vọng nhiều lắm, mà vấn đề ở kỹ thuật nuôi.

Nếu nuôi thâm canh và siêu thâm canh mà để tỉ lệ rủi ro (tôm chết trong quá trình nuôi) như hiện nay thì chi phí cũng khó. Cơ quan chuyên môn, các viện trường cần tập trung hỗ trợ địa phương sớm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho các mô hình nuôi, giảm tỉ lệ rủi ro, đặc biệt cho mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Chỉ có kéo tỉ lệ rủi ro này xuống thì mới hy vọng giá thành giảm", ông Sử nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2023 đạt 737.000ha, cơ bản không tăng so với năm 2022.

Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022), tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,45 tỉ USD, giảm 19,8% so với năm 2022.

Kế hoạch năm 2024 diện tích nuôi tôm tương đương năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đặt mục tiêu đạt mức 4 - 4,3 tỉ USD.

Theo báo Tuổi trẻ

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm