Năm 2022, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, XK tôm đã giảm đáng kể, các doanh nghiệp đang xoay xở với nhiều giải pháp.
Dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu của Sao Ta
Trong tháng 12/2022, XK tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm trong đó XK sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất lần lượt 46% và 44%, XK sang Nhật Bản giảm 4%, XK sang Hàn Quốc giảm 25%, duy nhất thị trường Trung Quốc vẫn tăng NK tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 38% trong tháng 12.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2022, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 807 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), bắt đầu từ những tháng cuối năm 2022, nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm. Theo số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), trong tháng 11, Mỹ nhập khẩu 64.014 tấn tôm, trị giá 579,3 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ tư liên tiếp, nhập khẩu tôm vào Mỹ ghi nhận giảm. Và những tháng gần đây, đà giảm vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân khiến nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm là do tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng. Mặc dù tồn kho cao, nhưng giá tôm tại Mỹ không giảm do các nhà bán buôn chưa muốn bán ra vì chưa được giá.
Nhu cầu tiêu thụ trong kỳ nghỉ lễ khá lớn. Đây là kỳ nghỉ đông đầu tiên ở Mỹ kể từ năm 2019 khi du lịch được cho là đã trở lại mức bình thường. Du lịch nhiều hơn có nghĩa là tụ tập nhiều hơn và ăn uống nhiều hơn, dẫn đến tiêu thụ hải sản nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu hồi phục vẫn chưa thể “giúp ích” được cho các nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ.
Nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Mỹ là Ấn Độ (21.413 tấn, trị giá 187,18 triệu USD) ghi nhận mức giảm lần lượt là 28% và 31% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Argentina và Peru đều ghi nhận mức giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu sang Mỹ. Trong số các nhà xuất khẩu tôm sang Mỹ, chỉ có Ecuador tiếp tục tăng sản xuất tôm so với cùng kỳ năm 2021.
Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.
Năm 2022, XK tôm sang thị trường EU đạt 691 triệu USD, tăng 13% so với năm 2021. XK tôm Việt Nam sang EU bắt đầu giảm từ tháng 10 năm 2022. Lạm phát tại đây cao kỷ lục, khủng hoảng giá năng lượng, biến động tỷ giá ảnh hưởng tới chi phí lưu kho và tổ chức tiêu thụ.
Tháng 12/2022, trong khi XK sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, XK sang thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng. XK tôm Việt sang Trung Quốc trong tháng này đạt 48 triệu USD, tăng 38%. Năm 2022, trị giá XK tôm sang thị trường này đạt gần 664 triệu USD, tăng 61% so với năm 2021.
Từ 8/1/2023, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng NK như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch. Điều này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu NK và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong những tháng đầu năm 2023.
Nhờ nhận định đúng và sớm tình hình nguyên liệu, thị trường, nên ngay từ đầu quý 3/2022, các doanh nghiệp ngành tôm đã có sự chuyển hướng khá rõ nét. Sự chuyển hướng dễ nhận thấy nhất đó là việc ưu tiên tập trung phát huy lợi thế chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng cao cho phân khúc thị trường cao cấp.
Mỹ và EU vẫn được xác định là 2 thị trường lớn của con tôm Việt Nam, nên việc duy trì một thị phần nhất định ở 2 thị trường này luôn được doanh nghiệp quan tâm, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp. Ðiều đó được thể hiện qua việc gần đây, dù ưu tiên cho thị trường gần, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn xúc tiến đàm phán với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ và EU, nhất là những nhà phân phối cao cấp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trung vào một số thị trường gần, như Nhật, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhằm giảm chi phí vận chuyển và áp lực cạnh tranh.
Sự chuyển hướng thị giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng trong giai đoạn khó khăn. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm Sao Ta, để duy trì đơn hàng XK, đơn vị đã thay đổi cơ cấu thị trường. Thị phần ở Nhật Bản tăng lên đáng kể, từ 28,1% (2020), 38,9% (2021) lên 43,8% năm 2022. Điều sâu xa hơn là sản phẩm chế biến sâu là thực phẩm chủ yếu cho người Nhật đã chiếm khoảng 55% sản phẩm chung.
"Đây là nền tảng hết sức cơ bản cho những năm sắp tới khi tôm giá rẻ Ecuador tấn công quá mạnh vào thị trường Hoa Kỳ khiến thị phần tôm Việt ở đây có xu hướng giảm dần"- ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Bảo Ngọc (Theo Hải quan online)