Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc lưu thông hàng hóa, con giống giữa các tỉnh, thành gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc vận chuyển tiêu thụ tôm giống của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là vấn đề nan giải đối với một tỉnh có ngành nuôi tôm phát triển mạnh như Bạc Liêu.
Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt tỉnh tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vận chuyển tôm giống phục vụ người nuôi trong tỉnh nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất không bị gãy.
KHÂU VẬN CHUYỂN GẶP KHÓ
Toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống (tôm sú và tôm thẻ chân trắng), hàng năm sản xuất từ 20 - 25 tỷ con pots giống cung ứng cho thị trường. Với lượng tôm giống sản xuất được, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong tỉnh mà còn xuất bán ra các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, lượng tôm giống sản xuất của Bạc Liêu trong tháng 8/2021 khoảng 3 tỷ con post, song nhu cầu thả tôm giống của nông dân trong tỉnh chỉ 1,98 tỷ con post (trong đó, thả 1,3 tỷ con post thẻ và 0,68 tỷ con post sú). Như vậy, lượng tôm giống còn lại cần xuất bán ra các tỉnh lân cận là 1,350 tỷ con post. Tuy nhiên, việc lưu thông vận chuyển tôm giống ra ngoài tỉnh tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là qua các chốt kiểm soát giáp ranh khi một số tỉnh đang siết chặt kiểm soát xe ra - vào địa bàn.
Trong khi đó, kế hoạch sản xuất nông nghiệp thì không thể bị ngừng trệ. Hiện nay, nông dân đang vào vụ thả tôm theo lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo. Tuy nhiên, một số nơi tôm nuôi của vụ trước đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, tôm thương phẩm liên tục rớt giá, người nuôi tôm có nguy cơ thua lỗ. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống, thức ăn chăn nuôi và người dân đã phải “kêu cứu” vì việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn… Điều này nếu không giải quyết rốt ráo sẽ dẫn đến việc tái sản xuất vụ sau bị ảnh hưởng, bởi người sản xuất, người nuôi trồng thủy sản đã thật sự đuối sức. Và có khả năng sẽ không duy trì được sản xuất nông nghiệp, không đảm bảo được nguồn cung nông - thủy sản phục vụ tiêu dùng trong thời gian tới.
CẦN HÀNH ĐỘNG KHẨN TRƯƠNG
Nhằm tạo điều kiện duy trì sản xuất nông nghiệp không thể chậm trễ, gián đoạn và gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới, các địa phương cần có hành động cụ thể, khẩn trương ngay từ lúc này. Quan tâm giải quyết bằng cách tạo “luồng xanh” để vận chuyển con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản… để người dân yên tâm đầu tư tái sản xuất.
Huyện Hồng Dân là một trong những địa phương tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lưu thông vận chuyển các mặt hàng thiết yếu phục vụ tái sản xuất. Ông Ngô Vũ Thăng - Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết: “Huyện ủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp vận chuyển vào địa phương cung ứng cho người dân tiếp tục sản xuất và tái sản xuất, nhất là tôm giống để kịp thời vụ, nhưng phải đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19”.
Để việc cung ứng chuỗi sản xuất không bị gãy, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị: “Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần khẩn trương xây dựng những “vùng xanh” để vừa phục vụ thu hoạch và tiêu thụ nông - thủy sản an toàn, vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ kết nối doanh nghiệp, thương lái ngoài tỉnh đến thu hoạch, tiêu thụ nông - thủy sản cho địa phương thông qua “vùng xanh” bằng đường bộ, đường thủy. Kiến nghị Bộ NN&PTNT làm đầu mối, có giải pháp hỗ trợ các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong vận chuyển cung ứng con giống phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông - thủy sản, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất trong tình hình hiện nay”.
(Theo báo Bạc Liêu)