Sóc Trăng khởi động vụ tôm nước lợ năm 2024

Vượt qua rất nhiều trở ngại, năm 2023, ngành tôm Sóc Trăng tiếp tục vượt khó thành công khi vẫn đạt được mức tăng trưởng ổn định cả về diện tích thả nuôi và sản lượng. Tiếp nối thành công này, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp thủy sản và người nuôi tôm đã và đang có sự chuẩn bị rất tốt cho vụ nuôi của năm 2024.

 

Sóc Trăng khởi động vụ tôm nước lợ năm 2024

 Mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Dựa theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, tình hình xuất khẩu tôm sẽ có nhiều khả quan hơn. Nguồn cung tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 - 15%. Để giúp cho người nuôi có kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả tối ưu, được sự thống nhất từ các địa phương thuộc vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng xây dựng Thông báo số 02 ngày 3/1/2024 về Lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024. 

Vụ sản xuất tôm nước lợ năm 2024 sẽ bắt đầu thả giống từ ngày 10/1/2024 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/9/2024. 

- Đối với tôm Thẻ chân trắng: Từ ngày 10/1/2024 đến ngày 30/9/2024

- Đối với tôm Sú: Từ ngày 15/3/2024 đến ngày 30/9/2024. 

- Đối với mô hình Tôm - Lúa: Phải bố trí thả nuôi tôm và thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để kịp chuẩn bị cho vụ lúa.

Ông Đồ Văn Thừa - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: Đối với các vùng nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, không chủ động được nguồn nước thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt (dự báo tháng 3 thời tiết nắng nóng và độ mặn cao và tháng 6 - 7 thời tiết mưa dầm), để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng và các yếu tố môi trường bất lợi. 

Ông Đồ Văn Thừa cũng khuyến cáo đến các trang trại, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu điều kiện nuôi, các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, ao nuôi lót bạt, quy trình nuôi 2 giai đoạn có thể bố trí rãi vụ quanh năm nhưng cần phải chủ động trữ nước, xử lý nước, có giải pháp ứng phó kịp thời khi có thời tiết bất lợi xảy ra và đảm bảo tốt công tác xả thải để góp phần bảo vệ môi trường vùng nuôi.

 

Chuẩn bị ao nuôi tôm.

Ở vụ nuôi năm 2022, do tác động từ yếu tố thời tiết và giá thu mua, diện tích nuôi tôm tại Hợp tác xã Hòa Nghĩa ở xã Hòa Đông đạt thấp hơn so với cùng kỳ, sản lượng tôm chỉ đạt 320 tấn, lợi nhuận của các thành viên vì vậy không cao. Rút kinh nghiệm từ vụ nuôi vừa qua, bên cạnh tuân thủ tốt lịch thời vụ thả nuôi tôm theo đúng khuyến cáo, HTX cũng đã xây dựng phương án sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng tài chính của từng thành viên. Một trong những giải pháp được HTX hướng đến để gia tăng lợi nhuận là nuôi tôm về size lớn thông qua việc áp dụng mô hình nuôi tôm lưới đáy.

Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc HTX, chia sẻ: Mô hình lưới đáy cũng giống như ao bạt, cũng gây màu, lấy nước, xi phông,… nhưng lợi thế của mô hình lưới đáy là mực nước được phép cao hơn so với ao bạt, có thể đạt từ 1m8 đến 2m, còn nuôi ao bạt thì hạn chế hơn. Nhờ vậy khi nuôi mô hình lưới đáy mật độ tôm sẽ thưa ra, tốc độ lớn của tôm sẽ nhanh hơn,…

Ngoài sự chuẩn bị của các Hợp tác xã hay các hộ nuôi nhỏ lẻ, khu nuôi tôm thương phẩm của các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị rất tốt cho vụ tôm năm 2024. Bên cạnh cân nhắc việc lựa chọn nguồn tôm giống hay thời điểm thả nuôi phù hợp, nhiều doanh nghiệp còn  hướng đến các mô hình nuôi giảm chi phí, tăng lợi nhuận để nâng cao khả năng cạnh tranh.  

Tại khu nuôi của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, công ty tiếp tục đầu tư quy trình nuôi tôm công nghệ cao, chú trọng đến việc thực hành nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học để quản lý tốt rủi ro dịch bệnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại xảy ra trong suốt quá trình nuôi, đồng thời chủ động các giải pháp phòng ngừa bệnh chậm lớn trên tôm (bệnh vi bào tử trùng - EHP).

Mô hình nuôi tôm thành công.

Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty nói: Đối với con giống, chúng tôi sẽ chọn những nhà cung cấp giống tốt, có uy tín. Về mùa vụ, chúng tôi tập trung thả giống vào những vụ mà chúng tôi đã nghiên cứu là ít rủi ro xảy ra bệnh vi bào tử trùng, cụ thể là thời điểm sau khi dứt mưa, từ tháng 4 đến tháng 12 hằng năm. Riêng ở vụ nghịch, chúng tôi cũng đã chủ động giải pháp tổng hợp về xử lý nước, sử dụng nguồn nước và dự trữ nước để đảm bảo đủ lượng nước sạch, không nhiễm virus nhằm cung cấp tốt cho ao nuôi...

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt diện tích là 50.820 ha, sản lượng tôm nuôi là 212.000 tấn. Bên cạnh quản lý nuôi tôm theo khung lịch thời vụ cố định đã được bàn hành, ngành chuyên môn sẽ thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về môi trường, thời tiết, dịch bệnh đến người nuôi. Trường hợp cần thiết, ngành sẽ điều chỉnh và có thông báo sự thay đổi lịch thả giống cho phù hợp hơn để ứng phó với điều kiện bất lợi về thời tiết và dịch bệnh thực tế tại địa phương./.

Theo báo Sóc Trăng

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục