Sóc Trăng: Bước tiến mới trong nghề nuôi tôm ở Trần Đề

Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) có diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm gần 5.900ha, sản lượng ước đạt hơn 32.200 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 5.400ha. Để đạt được năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường thì trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kể cả hộ nuôi đã phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đây được xem là bước tiến mới trong nghề nuôi tôm bởi mô hình đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với phương thức nuôi tôm truyền thống.

Hiệu quả từ nghề nuôi tôm

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, vụ tôm năm 2020 tỉnh Sóc Trăng thắng lớn. Theo đó, huyện Trần Đề cũng góp phần vào thành công này, bởi huyện có diện tích nuôi tôm nước lợ là 5.400ha, trong đó mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm lót bạt đáy, mô hình nuôi ao nổi gần 1.200ha. Với các mô hình nuôi tôm theo hình thức trên đem lại thành công hơn 90% diện tích thả nuôi, năng suất đạt từ 40 - 50 tấn/ha. Hiện tại, vụ tôm nuôi nước lợ năm 2021, trên địa bàn huyện đang vào mùa vụ thả nuôi và huyện đang tích cực vận động hộ dân tiến hành thả nuôi tôm theo đúng lịch thời vụ, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành chuyên môn. Qua đó, toàn huyện đã xuống giống tôm gần 1.900ha, trong đó diện tích thả nuôi tôm trong ao lót bạt, ao nổi là 218ha.

Sóc Trăng Bước tiến mới trong nghề nuôi tôm ở Trần Đề
Anh Huỳnh Hàn Châu, ở xã Trung Bình (ngồi thứ 2 từ trái sang) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về mô hình nuôi tôm ao lót bạt 4 giai đoạn mang lại hiệu quả cao.

Chia sẻ về thành công của mô hình nuôi tôm bằng ao lót bạt, anh Huỳnh Hàn Châu, xã Trung Bình (Trần Đề) chia sẻ: “Năm 2017, gia đình chuyển đổi nuôi tôm bằng ao lót bạt 4 giai đoạn với 3 ao nuôi, diện tích 3.600m2. Mới năm đầu nuôi ao bạt do chưa có kinh nghiệm nên năng suất tôm chưa tốt và khi chuyển sang năm nuôi thứ hai (năm 2018) mở rộng thêm 3 ao nuôi, nâng tổng số lên 6 ao nuôi, tổng diện tích 8.000m2 thì mô hình này rất thành công và đem về lợi nhuận tốt. Sản lượng tôm nuôi trong năm 2020 là 46 tấn/6 ao và dự kiến đầu vụ nuôi năm 2021 sản lượng tôm thu về là 30 tấn. Một trong những thành công vụ nuôi là cần phải có ao chứa, ao lắng lọc nước, ao ương dưỡng tôm. Ưu điểm của mô hình nuôi ao lót bạt là hộ nuôi quản lý được sức khỏe tôm, tiết kiệm chi phí sản xuất, rủi ro thấp, tăng tỷ lệ thành công, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn, đầu ra con tôm tốt, đặc biệt là quản lý chặt chẽ yếu tố môi trường trong ao nuôi. Khi áp dụng nuôi tôm bằng ao lót bạt phải có hướng xử lý nước thải ao nuôi bằng hệ thống ao lắng lọc, hầm biogas trước khi thải ra môi trường nhằm đảm bảo môi trường xung quanh vùng nuôi…”.

Tôm được nuôi trong ao nổi tại hộ anh Trần Quốc Trung, xã Liêu Tú là một trong những mô hình nuôi tôm cho sản lượng cao.

Cũng là hộ chuyển đổi nuôi tôm từ ao đất sang nuôi tôm bằng ao nổi đem lại nhiều thành công, anh Trần Quốc Trung, xã Liêu Tú (Trần Đề) thông tin: “Nhiều năm gắn bó với con tôm nuôi nước lợ tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi nhưng so về năng suất tôm nuôi trong ao đất và ao nổi thì khác xa nhau. Bởi nuôi ao nổi tôm được quản lý tốt hơn, tôm đạt kích cỡ lớn, bán được giá tốt hơn và thu nhập tăng gấp nhiều lần so với nuôi tôm ao đất. Năm đầu tiên nuôi tôm ao nổi, tôi thực hiện 6 ao nuôi, diện tích 600m2/ao, thấy tôm đạt năng suất, chất lượng tôi mở rộng thêm diện tích ao nuôi lên 10 ao. Điều hay của nuôi tôm ao nổi 3 giai đoạn là 1 năm nuôi được 4 vụ tôm, như vậy 1 ao cho thu hoạch 12 tấn/năm. Theo tôi, để nuôi tôm thành công, trước hết cần phải đảm bảo nguồn nước sạch khi lấy nước vào ao. Muốn được như thế cần phải đầu tư ao nuôi thật bài bản, có hệ thống lắng lọc nước, ao trữ nước, có ao vèo, ao ương dưỡng theo quy trình cụ thể và chuyển lên ao nổi nuôi”.

Chuẩn bị tốt cho vụ nuôi mới

Nuôi tôm ngoài các yếu tố về diện tích nuôi, môi trường nuôi thì đòi hỏi phải có nguồn nước đáp ứng tốt cho vùng nuôi. Do đó, trong thời gian qua, huyện Trần Đề rất quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo cho vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp với phát triển nông nghiệp thành vùng phát triển sinh thái tự nhiên dựa trên nguyên tắc bền vững về môi trường và giảm giá thành trong sản xuất. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản, như: xây dựng hệ thống kênh cấp thoát nước riêng biệt, nạo vét các kênh bị bồi lắng, quy hoạch vùng nuôi theo mô hình công nghiệp, công nghệ cao, đầu tư hệ thống điện và giao thông.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng thông tin: “Để mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 thắng lợi, huyện đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật, các thành tựu mới trong nuôi trồng thủy sản thay thế các phương pháp, kỹ thuật cũ, đã lạc hậu bằng các phương pháp mới như hội thảo đầu bờ, thông tin tình hình thủy sản trong khu vực, kết quả quan trắc môi trường; thả nuôi thăm dò, không thả ồ ạt, bố trí thả giống thích hợp. Nhân rộng và đưa vào sản xuất các mô hình nuôi tôm tốt như: nuôi tôm kết hợp cá rô phi, trải bạt đáy, nuôi tôm 2 giai đoạn, áp dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ; quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ môi trường nuôi tôm bền vững. Đặc biệt là tuyên truyền hộ nuôi tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống của ngành chuyên môn và thông báo kịp thời kết quả quan trắc môi trường nuôi tôm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động sản xuất; nạo vét các kênh bị bồi lắng, sửa chữa hệ thống cống bị rò rỉ, điều tiết cống phục vụ cho nuôi tôm. Cùng với đó, đơn vị tăng cường quản lý nhà nước việc buôn bán, kinh doanh hàng hóa có liên quan đến thủy sản, đặc biệt là thức ăn, thuốc thú y, tôm giống”.

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục