Mô hình tôm-lúa hữu cơ ở Kiên Giang được người dân hưởng ứng

Hiện nay diện tích sản xuất vụ tôm - lúa bình quân hàng năm khoảng 25.000 ha với sản lượng thu hoạch bình quân gần 120.000 tấn/năm.

Hôm nay (5/4), đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng làm trưởng đoàn đến khảo sát mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. 

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của mặn xâm nhập và biến đổi khí hậu nên huyện An Minh đã tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất theo mô hình nuôi tôm, xen canh cua biển, tôm càng xanh trên ruộng lúa, đặc biệt là trồng lúa theo hướng hữu cơ. Hiện nay diện tích sản xuất vụ tôm - lúa bình quân hàng năm khoảng 25.000 ha, với sản lượng thu hoạch bình quân gần 120.000 tấn/năm.

Mô hình tômlúa hữu cơ ở Kiên Giang được người dân hưởng ứng
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc tại huyện An Minh.

Qua các năm triển khai mô hình lúa hữu cơ được người dân đồng tình hưởng ứng, HTX ngày càng mở rộng, diện tích sản xuất ngày càng lớn. Năm 2017 chỉ có 4,5 ha được Chứng nhận lúa hữu cơ thì đến năm 2020 có trên 300 ha lúa được Chứng nhận hữu cơ. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải hóa học gây ra, đã từng bước hình thành chuỗi sản xuất khép kín, được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ.

Tuy nhiên quy mô sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm ở huyện An Minh chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; chỉ mới tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, chưa ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, cũng như quy trình canh tác tiên tiến,… và người dân còn gặp khó khăn về kinh phí để được Chứng nhận hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Phỉ, Chủ tịch UBND huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết, Bộ NN&PTNT đánh giá cao hiệu quả của mô hình sản xuất tôm –lúa theo hướng hữu cơ ở địa phương. Bộ đã đồng ý cho huyện thực hiện thí điểm mô hình sản xuất tôm-lúa hữu cơ trên diện tích hơn 605 ha với 407 hộ của 2 Hợp tác xã Thạnh An và HTX Thạnh Hòa. Đây cũng là 2 HTX đã thực hiện sản xuất lúa hữu cơ trong thời gian qua. Tổng nhu cầu vốn thực hiện dự án 16,6 tỷ đồng, trong đó vốn cho HTX vay 2 tỷ đồng.

Đoàn công tác khảo sát mô hình sản xuất tôm – lúa theo hướng hữu cơ ở huyện An Minh

Đánh giá cao mô hình tôm – lúa triển khai hiệu quả tại huyện An Minh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn trên cơ sở kết quả đã đạt được, cần tăng đầu tư, mở rộng mô hình thành dự án của tỉnh.

“Thủ tướng đã có quyết định nhân rộng, hoàn thịện mô hình HTX kiểu mới ở ĐBSCL, tôi đề nghị nên chọn HTX này để đưa vào làm thí điểm của tỉnh để hưởng thêm phần chính sách hạ tầng. Hiện Bộ NN&PTNT đang soạn đề án nâng cao năng lực HTX ứng phó với biến đổi khí hậu, khi nào triển khai sẽ đưa vào đề án này để ít nhiều cũng có hưởng được chính sách cho khu vực”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết./.

(Theo VOV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục