Nhằm nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp ổn định sản xuất, nắm bắt các cơ hội thị trường, đặc biệt khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra, sáng 1-9, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm ICAFIS (Hội nghề cá Việt Nam - VINAFIS), Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á – Graisea 2, tổ chức Diễn đàn “Tôm Việt 2021 online - Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19”
Tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm... Năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ, xuất khẩu tôm đạt 3,7 tỷ USD (VASEP). Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, từ tháng 7 năm 2021 đến nay tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước của Việt Nam gặp nhiều khó khăn tồn tại, đồng thời xuất hiện nguy cơ “Đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tôm”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Là một trong những tỉnh trọng điểm về nuôi tôm của cả nước, với tổng diện tích 300 nghìn ha, sản lượng dự kiến năm 2021 khoảng 200 nghìn tấn, trung bình thu hoạch 15-20 nghìn tấn/tháng, 160 nghìn hộ nuôi tôm, hiện tỉnh Cà Mau đã thu hoạch 130 nghìn tấn. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất, chế biến tôm. Giá tôm giảm liên tục, thậm chí giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến tình hình thả giống nuôi tôm tại Cà Mau giảm rất nhiều, hiện chỉ đạt khoảng 30-40% diện tích thả nuôi vụ mới. Cà Mau hiện có 30 doanh nghiệp với 38 nhà máy sản xuất, chế biến tôm, sản lượng chế biến khoảng 200 nghìn tấn/năm. Từ nay đến cuối năm 2021 nếu dịch bệnh được kiểm soát thì sản xuất, chế biến của Cà Mau mới có thể đạt được kế hoạch.
Các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: Con tôm là ngành hàng rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản. Nếu để xảy ra đứt gãy chuỗi thủy sản nói chung và con tôm nói riêng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng trăm nghìn người nuôi tôm, công nhân chế biến và doanh nghiệp.
(Theo QĐND)