Tỉnh Ninh Thuận có lợi thế phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, với diện tích thả nuôi hằng năm hơn 800 ha, sản lượng đạt khoảng 7.000 tấn. Nuôi tôm thương phẩm, nhất là tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nông dân ven biển; đồng thời, tạo điều kiện cho một số ngành nghề phát triển theo như sản xuất giống, dịch vụ cung ứng thức ăn phục vụ nuôi tôm. Tuy vậy, hoạt động nuôi tôm đang gặp khó khăn do dịch bệnh, gần đây giá thức ăn cho tôm tăng cao ảnh hưởng lớn đến hộ nuôi. Để giúp người nuôi tôm thành công, ngành chức năng, các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Xác định con giống đóng vai trò quan trọng, Chi cục Thủy sản tăng cường hoạt động hỗ trợ tư vấn cho người nuôi tôm lựa chọn được nguồn giống sạch bệnh đưa vào nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao. Vụ tôm nước lợ năm 2021 nhờ có sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, hộ nuôi thả giống đúng theo khung lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, các hộ nuôi chọn được con giống sạch bệnh từ các cơ sở nuôi uy tín, nên đã hạn chế được dịch bệnh.
Công tác tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, cảnh báo môi trường cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu vụ tôm 2021 (tháng 2), Trung tâm đã phối hợp với đơn vị chức năng, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, thông báo thường xuyên về kết quả trắc nghiệm môi trường vùng nuôi tôm trong toàn tỉnh đến hộ dân, qua đó giúp nông dân nhận định được tình hình nuôi và nắm bắt được các phương pháp nuôi mới áp dụng vào thực tế sản xuất.
Nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm tôm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xác định xây dựng các mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình hiệu quả là nhiệm vụ thường xuyên. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP tại vùng nuôi trên cát thôn Hòa Thạnh và thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước) triển khai năm 2015 quy mô 2 ha ban đầu đến nay đã nhân rộng lên hàng trăm ha. Các hộ thực hiện mô hình giảm được 20% chi phí mua thức ăn cho tôm, sau 70-75 ngày thu hoạch được khoảng 15 tấn/ha, cao hơn 5 tấn so với nuôi theo phương thức truyền thống.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng, ngành chức năng vận động các hộ nuôi tôm liên kết thành các Tổ cộng đồng nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích. Những năm trước đây nhiều hộ nuôi tôm riêng lẻ, nên việc bảo vệ môi trường vùng nuôi gặp khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi. Nhằm khắc phục tình trạng trên, các địa phương nhân rộng mô hình Tổ cộng đồng nuôi tôm nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh...
Nhìn lại hoạt động động nuôi tôm từ đầu năm đến nay có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai nhân rộng, nhất là mô hình nuôi quảng canh cải tiến và nuôi thâm canh được bà con nông dân và doanh nghiệp quan tâm hơn. Trong quá trình nuôi tôm đa số người nuôi đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; mạnh dạn tham gia liên kết sản xuất để giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận.
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng ngành nuôi tôm thương phẩm vẫn được duy trì ổn định. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7 sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch 2.500 tấn/477,26 ha; tôm hùm thương phẩm sản lượng thu hoạch 30 tấn/276 bè nổi.
(Theo báo Ninh Thuận)