Các doanh nghiệp lớn trong ngành tôm đều cho rằng con giống là vấn đề nóng bỏng hiện nay, cần có số liệu chính xác và thẳng thắn để có quy hoạch cụ thể, nhất là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh thị trường khắc nghiệt.
Tại tọa đàm “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, tổ chức ở TP HCM, chiều 24/5, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mục tiêu xuất khẩu năm nay của ngành thủy sản với kim ngạch 10 tỷ USD sẽ khó đạt được.
Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản mới chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do tình hình lạm phát, tiêu dùng tại các nước này suy giảm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm mạnh, khiến doanh nghiệp thủy sản bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc.
“Giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác”, ông Hòe chỉ ra.
Nhìn từ góc độ nhà chế biến, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm giống rất lớn, tuy nhiên, trong số hơn 2.000 trại giống nuôi, chỉ có hơn một nửa trại giống đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận.
Tôm giống chỉ chiếm 5-7% giá thành nhưng quyết định nhiều chục % thành công của vụ nuôi
Đồng tình với ý kiến của ông Hòe, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung cho rằng, có 3 vấn đề đặt ra của ngành tôm lúc này là: Làm sao để nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm với thực trạng như hiện nay; kiểm soát tốt chất lượng, giá thành sản phẩm trong nuôi tôm; quản lý và kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị tôm Việt Nam.
Nói về tôm giống, ông Hoàng Anh cho biết, còn quá trìu tượng với con tôm giống sinh lời. Thực tế, tỷ lệ giá trị của tôm giống chỉ chiếm từ 5-7% giá thành trong một vụ nuôi thành công, nhưng nó lại quyết định nhiều chục % trong cấu thành thành công của một vụ nuôi.
Chia sẻ từ bản thân doanh nghiệp mình, ông Hoàng Anh cho biết, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung chuyên sản xuất tôm giống, nhưng 3 năm nay phải bù lỗ từ hoạt động của mảng khác.
"Doanh nghiệp nào cũng muốn chủ động con giống tôm nhưng không phải vùng nào của Việt Nam cũng có lợi thế tự nhiên về sản xuất con giống. Nên tập trung cho vùng có thế mạnh" – ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, vấn đề hết sức cơ bản hiện nay đối với con giống là nâng cao tỷ lệ nuôi thành công.
“Các trại cung ứng giống phải bảo đảm con giống sạch bệnh và cơ quan chức năng phải kiểm soát tôm giống chất lượng thấp không “trôi nổi” trên thị trường. Không phải dồn cái khó cho mắt xích cung ứng con giống, nhưng bây giờ vai trò con giống trở thành quá quan trọng”, ông Lực nêu quan điểm.
Theo ông Lực, việc nuôi tôm đang gặp khó. Khó khăn đầu tiên là tôm nhiễm bệnh sớm. Nhiều phân tích cho thấy, khác với trước đây, tôm có thể nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ.
“Từ đó làm giảm tỷ lệ nuôi thành công, người nuôi chùng tay thả giống. Liền ngay sau đó, giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, nghĩa là vượt qua mức lãi nếu nuôi trúng vụ, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ. Cầm chắc lỗ thì ai dám nuôi, đại lý nào dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ thêm bế tắc”, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh.
Một diễn biến khác từ khó khăn thị trường thế giới được ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, từ đầu quý 2 vừa qua, tôm các nước nuôi ở Nam bán cầu như Ecuador, Indonesia vào vụ sớm, chào hàng sớm như thông lệ, tạo thêm áp lực sức cung khiến gia tăng cường độ giảm giá bán. |
Theo Mekong Asean