Chuyển đất lúa kém hiệu quả nuôi tôm càng xanh

Các diện tích lúa kém hiệu quả được Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ những vùng đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả, từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN - KN) tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất này tại một số địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch.

Kết quả từ những mô hình nuôi thử nghiệm này cho thấy, tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Quảng Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Từ những kết quả đạt được, đầu tháng 3/2021, Trung tâm KN - KN Quảng Bình tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại 8 hộ nuôi ở các xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) và Đức Ninh (TP Đồng Hới ) với diện tích 4,7ha.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả nuôi tôm càng xanh
Mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng tôm càng xanh vẫn tiêu thụ khá thuận lợi tại địa phương do nhu cầu cao.

Địa điểm nuôi là các vùng đất trước đây trồng lúa nhưng kém hiệu quả, được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Sau khi được chọn, các hộ tiến hành bơm cạn nước, tu sửa bờ ao, cống thoát nước, vét lớp bùn đáy cỏ cây, bắt và diệt ốc, cá tạp, bón vôi khử trùng. Sau khoảng 1 tuần thì tiến hành cấp nước vào ao.

Nước cấp phải được lọc qua lưới lọc mịn, mức nước trong ao từ 1 - 1,2m. Sau khi để trứng cá nở hết mới tiến hành diệt tạp lại, sau 3 - 5 ngày tiến hành khử khuẩn, kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường mới tiến hành thả giống.

Giống tôm được chọn thả là giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (cơ sở sản xuất giống đóng ở Bạc Liêu) và đều có kích cỡ ≥13mm, bơi lội khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng. Mật độ thả 10 con/m2 (470.000 con/4,7ha).

Bên cạnh việc được hỗ trợ 50 % giống và 50 % vật tư (thuốc, thức ăn…); các hộ tham gia mô hình đã được cán bộ Trung tâm KN - KN tỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật, giới thiệu một số đặc điểm sinh học, công nghệ tạo con giống tôm càng xanh toàn đực, truyền đạt kiến thức kỹ thuật nuôi và những kinh nghiệm, cách phòng trị bệnh cho tôm, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế.

Kết quả kiểm tra sau 5 tháng nuôi ở các hộ dân cho thấy, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân khi thu hoạch đạt 25 - 30 con/kg, tỷ lệ sống đạt 50%, sản lượng thu được bình quân mỗi hộ 2.000kg.

Quảng Bình sẽ tiếp tục nhân rộng chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất nhiễm mặn sang nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Trung Hiểu.
Quảng Bình sẽ tiếp tục nhân rộng chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất nhiễm mặn sang nuôi tôm càng xanh.

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid -19 làm ảnh hưởng đến giá bán, thương lái thu mua khó khăn nhưng do tôm càng xanh được người tiêu dùng trong tỉnh khá quen thuộc và ưa chuộng, nên việc tiêu thụ tôm không gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá chung của các hộ tham gia mô hình này cho biết, với giá tôm bán hiện tại khoảng 180.000 - 200.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ thu được lợi nhuận gần 120 triệu đồng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KN - KN tỉnh Quảng Bình, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi bước đầu đã mang lại hiệu quả cao bởi không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.

Mô hình đã được người dân đánh giá cao và xem đây là đối tượng nuôi mới có thể thay thế đối tượng nuôi truyền thống trước đó. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều người dân trong vùng và các địa phương lân cận đã tham quan học hỏi và áp dụng vào sản xuất.

Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả, Trung tâm KN - KN tỉnh khuyến cáo người dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; môi trường nuôi là đất ruộng chuyển đổi thường nhiều dịch hại nên công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật nuôi.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình thì cho biết, nuôi tôm càng xanh toàn đực trên diện tích lúa chuyển đổi không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, hướng đến sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trên diện tích lúa nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả để nâng cao thu nhập…

(Theo Nông nghiệp VN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục