Thực phẩm Sao Ta (FMC) trở thành nhà xuất khẩu tôm Việt lớn nhất vào Nhật Bản

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) vừa cho biết đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2023. Đồng thời, doanh nghiệp trở thành nhà xuất khẩu tôm Việt lớn nhất vào thị trường Nhật Bản sau 1 năm thay đổi chiến lược kinh doanh.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt gần 1.253 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán trong kỳ tăng 5,1% nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp xuất khẩu tôm này đã giảm 8%, còn gần 140 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Thực phẩm Sao Ta tăng hơn 25%; đồng thời, các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể, lần lượt giảm 58% và 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 88,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2023, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực phẩm Sao Ta

 Thực phẩm Sao Ta hiện là doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt lớn nhất vào thị trường Nhật Bản.

Luỹ kế cả năm 2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng doanh thu thuần 5.089 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 304,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,8% và giảm 7,2% so với năm 2022. Dù vậy, đây được xem là những kết quả tích cực trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp khó khăn kéo dài trong năm 2023.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta hồi đầu tháng 1/2024, nhìn chung năm 2023 có những khó khăn khá nặng nề, công ty không thể tránh nhưng đã nỗ lực hạn chế tối đa mặt tiêu cực, sự sụt giảm về mặt doanh số chủ yếu do giá bán đầu ra trung bình giảm khoảng 10% so với năm 2022. Đồng thời, mức sụt giảm doanh thu sẽ thấp hơn đáng kể so với mức giảm lên tới 25% của toàn ngành.

“Kết quả trên đến từ việc công ty tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu nên ít bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh về giá”, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết.

Bên cạnh đó, trong khi thị trường xuất khẩu truyền thống là Mỹ gặp khó, Thực phẩm Sao Ta đã chuyển hướng, dồn lực phát triển thị trường Nhật Bản. Để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng rất cao, ít doanh nghiệp tôm đáp ứng được nhưng đơn giá thường ở mức cao.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho biết, Thực phẩm Sao Ta hiện là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc.

So với kế hoạch kinh doanh (đã được điều chỉnh trong tháng 10/2023), Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 101,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta thận trọng cho rằng khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít ra ở 6 tháng đầu năm 2024 và công ty sẽ có kế hoạch để duy trì nhịp độ kinh doanh.

Bên cạnh đó, vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Hoa Kỳ sẽ là thách thức không nhỏ từ năm 2024, khiến công ty phải có sự tính toán trong kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho mình, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết.

Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét hơn trong năm nay khi nhu cầu tại loạt thị trường trọng điểm hồi phục nhờ lạm phát đã hạ nhiệt.

Hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng của Thực phẩm Sao Ta trong năm 2024 có thể lần lượt đạt 6.259 tỷ đồng và 340 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 23% và 12% so với năm 2023.

Theo Tạp chí Công thương

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm