Xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu “ngấm đòn” từ việc đồng Euro mất giá

Trong nửa đầu tháng 8/2022, tác động từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với biến động tỷ giá trên thị trường thế giới đã khiến cho xuất khẩu thủy sản gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho biết đối tác vừa thông báo ngừng tạm ký đơn hàng mới …

Xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu “ngấm đòn” từ việc đồng Euro mất giá

Không còn lạc quan như tháng trước, tác động từ biến động tỷ giá đồng Euro và Yen Nhật đang khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lạm phát đang khiến người dân các nước châu Âu, Hoa giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến hết tháng 10.

Xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn

Chế biến thủy sản càng bất lợi hơn khi nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm về các tháng cuối năm. Nhiều nhà máy sẽ đối mặt cùng lúc 2 sức ép. Đó là giảm giá xuất khẩu, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam, cho hay sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, cộng với biến động tỷ giá nữa làm cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn từ đầu tháng 8/2022.  Trong khi đó, các thị trường như Mỹ và EU lượng hàng tồn kho vẫn còn cao do người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Trong 7 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận mức hồi phục nhanh kỷ lục lần đầu tiên trong 20 năm qua là xuất khẩu được 6,7 tỷ USD, tăng 35%. Trong đó có những mặt hàng đặc biệt như cá tra – mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng vừa qua.

Một yếu tố quan trọng khác là dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới nên các nhà nhập khẩu cũng không vội ký hợp đồng dồn dập như giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022. Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản sẽ gian nan trong 5 tháng cuối năm 2022.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn ở Tây Nam Bộ thông tin rằng đến thị trường có độ ổn định rất cao như Nhật Bản cũng phải điều chỉnh giá, mức tăng khoảng 20% để bù đắp lạm phát. Người tiêu dùng nước này vốn rất nhạy cảm với sự biến động của giá cả nên việc này khiến sức mua giảm mạnh. Các đối tác nhập khẩu không hủy đơn nhưng điều chỉnh lịch nhận hàng từ 3 - 5 tháng để chờ người tiêu dùng làm quen với mức giá mới.

Nhận định về vấn đề này, Tổng thư ký VASEP cho rằng lạm phát ở nhiều thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên nhờ nửa đầu năm nay xuất khẩu tăng trưởng mạnh nên dự báo cả năm vẫn có thể đạt kim ngạch 10 tỉ USD, với mức tăng trưởng 10 - 12%.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn kỳ vọng nhu cầu mặt hàng thủy sản thế giới sẽ tăng trở lại từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội cuối năm, kỳ nghỉ lễ noel, Tết dương lịch.

"Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp", bà Lê Hằng, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định.

Nhiều thách thức đe doạ ngành thuỷ sản

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp  mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết VASEP hiện có 279 doanh nghiệp thành viên và đang chiếm khoảng 80-83% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Trong 2 năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

“Có một con số khẳng định được nội lực của ngành, nếu như trong cơ cấu về xuất khẩu của Việt Nam hiện nay thì doanh nghiệp FDI liên quan có tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình khoảng 70-84%, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào khoảng 26-30%. Trong ngành thủy sản, hiện nay con số này lại ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm 95%, chỉ 5% có sự tham gia của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực thủy sản”, ông Nam thông tin.

"Mặc dù thời điểm này xuất khẩu thủy sản bắt đầu khó khăn, nhưng dự báo năm nay, lần đầu tiên ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%". - Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP.

Theo Phó Tổng Thư ký VASEP, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội của chúng ta còn không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì có một số thách thức đang tác động tiêu cực đến phát triển bền vững của ngành hàng.

Đó là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

Thứ nhất, vấn đề thức ăn chăn nuôi, trung bình hiện nay, đặc biệt sau dịch, đã tăng khoảng 20%. Giá thành thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, tác động chi phối rất lớn.

Thứ hai, chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao.

Cụ thể, Bờ Tây Hoa Kỳ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần, từ 10.000 - 12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của chúng ta. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.

Theo ông Nam, tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.  Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân. 

Do vậy, VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi. 

"Mong rằng Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong 1 tuần qua. Đề nghị giãn nợ cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, và cho vay các khoản vay mới”, ông Nam kiến nghị.

Ngoài những khó khăn kể trên, ông Nam cho biết thêm hiện ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến thì đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường, liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Vì vậy, rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng đối với ngành thủy sản.

Mỹ Hạnh (Theo Báo VnEconomy)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục