Xuất khẩu thủy sản có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2023

(TBTCO) - Kết thúc quý I/2023, xuất khẩu thủy sản giảm sút mạnh. Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên gia, quý II/2023, ngành hàng này có thể phục hồi mạnh mẽ nhờ các nỗ lực mở rộng tìm kiếm đơn hàng mới.

 

Xuất khẩu thủy sản có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý II2023
Trong quý II/2023, xuất khẩu thủy sản kỳ vọng sẽ phục hồi. 

Xuất khẩu thủy sản quý I đạt 1,85 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với tháng 3/2022. Ước xuất khẩu quý I/2023 đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.

Nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm. Cụ thể 3 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, giảm 32% và cá ngừ giảm 31% so với cùng kỳ, đạt 179 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ, đạt 54 triệu USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu trong quý II/2023 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chinh phục mốc 14 tỷ USD, cùng với đó, tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) toàn ngành đạt 2,9 - 3%.

Bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát. Kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thuỷ sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo.

Nhận định xu hướng thị trường của một số sản phẩm thủy sản chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bà Lê Hằng cho biết, xu hướng chung là xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm, vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát, kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, sau thời gian dài dịch Covid-19. Xuất khẩu các loài cá biển dự báo tiếp tục tăng; trong đó, có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công, xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu như: cá hồi, cá tuyết cod, cá minh thái.

Như vậy "xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý II/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và châu Âu, thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam" - bà Hằng nhận định.

Xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi trong quý II/2023?
Xu hướng chung trong nửa đầu năm 2023 là xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.

Điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, cho biết thêm trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành thủy sản cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất ở mức chấp nhận được để giữ việc làm cho người lao động, bảo toàn vốn, chuẩn bị đón nhận cơ hội khi thị trường khôi phục. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp cũng không dám vay vốn để trữ hàng nên tình hình rất khó khăn.

Từ thực tế biến động thị trường, bà Lê Hằng khuyến nghị các doanh nghiệp cần có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, với thị trường Trung Quốc ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập hàng cho các siêu thị châu Á, các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á như: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc… vẫn đang hút khách.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay trên hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường này...

Theo các doanh nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, diễn đàn kết nối giao thương với một số thị trường. Các doanh nghiệp thủy sản mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình giao thương với các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm để tìm kiếm khách hàng mới, cải thiện xuất khẩu.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp rất trông chờ các cơ quan quản lý tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản./.

VASEP đưa ra một giải pháp chung khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung vào 3 trụ cột, đó là sản phẩm phải an toàn cao, tốt cho sức khỏe và thân thiện môi trường. Đặc biệt, cần lưu ý xu hướng tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục