(HQ Online) - Theo đánh giá của các chuyên gia, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ được nhìn nhận đang ở giai đoạn thuận lợi nhất từ trước tới nay và dự báo các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Thị trường tiềm năng
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 14,2 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ đã vượt Trung Quốc, trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, với giá trị đạt trên 2,3 tỷ USD. Với dư địa còn khá lớn khi quy mô dân số hơn 333 triệu người, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam.
Thông thường những tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ thường chững lại, nhưng năm nay, giá trị xuất khẩu những mặt hàng này lại ghi nhận tăng trưởng dương.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội và dư địa để gia tăng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ. Dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, nhưng tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới chỉ chiếm khoảng 1 - 2% giá trị nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2023 của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của thuỷ sản Việt Nam.
Về xuất khẩu gạo đang có những dấu hiệu tích cực, do bang California (Mỹ) sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của năm thứ ba liên tiếp bị hạn hán. Tình trạng nắng nóng và thiếu nước đã khiến cho nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có diện tích trồng lúa. Theo thống kê ban đầu, các khu vực trồng lúa chính của Bang như quận Sutter, Colusa và Glenn đã bị ảnh hưởng nặng nề với 267 nghìn mẫu (tương đương 108,1 nghìn ha) đã bị bỏ hoang vì thiếu nước.
Về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lại có phần giảm sút do hoạt động xây dựng nhà ở mới của Mỹ đã giảm 4,2% trong tháng 10 do lãi suất vay nợ cao khiến người mua hạn chế chi tiêu và buộc các nhà xây dựng phải thu hẹp quy mô. Tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023.
Thị trường nhà ở tại Mỹ bắt đầu chậm lại với tốc độ hàng năm là 1,43 triệu vào tháng 10 từ mức 1,49 triệu trong tháng 9, kéo theo đó, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất của Mỹ có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Ngược lại với gỗ, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới lại có dấu hiệu lạc quan, khi giá nhiên liệu và nhu cầu chung về năng lượng tại Mỹ dự kiến sẽ giảm, làm giảm áp lực đối với giá cả, đặc biệt là chi phí vận tải.
Cạnh tranh cao
Mỹ là thị trường rộng mở đối với hàng nông sản nhập khẩu nhưng cũng chính vì đặc điểm này mà Mỹ cũng trở thành thị trường khó khăn và cạnh tranh bậc nhất. Việt Nam không chỉ phải cạnh trạnh với các nước có cùng chủng loại sản phẩm mà còn phải cạnh tranh ngay chính với các nhà sản xuất nội địa. Theo đó, Mỹ là một thị trường xuất khẩu có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự cạnh tranh của hàng hoá từ các quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông thuỷ sản, dệt may, da giày, trong khi năng lực sản xuất ở một số ngành khó có khả năng tăng trưởng cao. Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỹ cũng là quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp phóng vệ thương mại không chỉ tác động đến một doanh nghiệp mà còn toàn ngành và các đối tác có thể tìm phương án lựa chọn từ quốc gia khác.
Hiện Mỹ đang là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê đến tháng 12/2022, Mỹ đã khởi xướng 52 vụ điều tra phòng vệ thương mại, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông lâm thủy sản như: gỗ, cá tra, cá basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như xe rơ móc kéo, thép, máy cắt cỏ... thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Điều này cho thấy Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.
Theo Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID Ann Marie Yastishock, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng thêm các yếu tố xung quanh chất lượng sản phẩm như quy trình sản xuất xanh, nguyên liệu xanh gần gũi thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất chú trọng điều này, nguồn gốc sản phẩm cũng cần được lưu ý để minh bạch, vì họ sẽ dùng trực tiếp những sản phẩm này hàng ngày, tác động tới sức khỏe.
Về xuất khẩu hoa quả, trái cây tươi, chất lượng tốt tuy có giá trị xuất khẩu cao nhưng công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như châu Âu, Mỹ không còn tươi ngon, rất khó bán. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả là yếu tố quan trọng để rau quả Việt Nam tiến sâu vào thị trường Mỹ.
(theo Hải Quan Online)