Xuất khẩu thuỷ sản có nhiều dấu hiệu tích cực

Mặc dù doanh nghiệp đã có đơn hàng tuy nhiên nhiều dự báo cho thấy đến hết quý I/2024 ngành thuỷ sản vẫn chưa thể khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ do nhiều diễn biến phức tạp của thị trường.

 

Đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ.

Đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc GODACO, diễn biến thị trường xuất khẩu 3 tháng gần đây có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, nhất là thị trường Trung Quốc, qua đó góp phần đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Tổng kết tình hình doanh nghiệp, ông Đạo cho biết từ nhiều yếu tố tác động, đối với các chỉ tiêu cơ bản của công ty có một vài chỉ tiêu tăng trưởng tốt, số ít chỉ tiêu chưa đạt được, riêng chỉ tiêu lợi nhuận không đạt được mục tiêu đề ra. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng công ty vẫn xác định thuận lợi vẫn là cơ bản nhờ tín hiệu từ những tháng cuối năm 2023 bước sang năm 2024 thông qua việc thị trường ấm dần lên. Nhờ đó, đơn hàng cho năm 2024 của công ty rất dồi dào và công ty cũng đã ký hợp đồng cho đến 6 tháng đầu năm do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao”, ông Nguyễn Văn Đạo chia sẻ.

Với dự báo “ấm” dần lên của thị trường, công ty cũng tính toán đặt ra chỉ tiêu năm 2024 là doanh thu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, tiếp tục tăng công suất sản xuất khoảng 30% khi dự án đầu tư mới chính thức đi vào hoạt động. Tất nhiên, trước khó khăn chung công ty sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, đa dạng sản phẩm để tạo cơ hội phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Mặc dù vậy, không nhiều doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh khả quan như GODACO, những dự báo tiêu cực với ngành thuỷ sản trong tháng đầu năm cũng khiến doanh nghiệp lo lắng, trong đó đặc biệt là sự cố Biển Đỏ khi mà các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Báo cáo mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, những mặt hàng đông lạnh như rau quả hay thủy sản xuất sang châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ khủng hoảng ở Biển Đỏ. 

Nhóm phân tích cho rằng, lý do không chỉ vì cước vận chuyển tăng vọt, mà còn do thời gian vận chuyển kéo dài, khiến chất lượng hàng hoá bị ảnh hưởng hoặc chi phí bảo quản tăng theo.

Do đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, có thể từ nay đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ, do đó, chúng ta cần chuẩn bị và chờ đợi.

“Tuy kinh tế nước Mỹ đang tốt lên nhưng tình hình tiêu thụ cũng khó trở lại bình thường giống như trước, vì cần có thời gian để người tiêu dùng cân nhắc quyết định chi tiêu mạnh tay hơn, mua bán nhiều hơn”, ông Hoè lưu ý.

Cùng với đó, thời điểm hiện nay các nước cũng đã mua hàng xong và đang chờ giải phóng hàng tồn sau mùa lễ hội mới bắt đầu đặt hàng tiếp. Do đó, phải đến giữa tháng 6 hoặc tháng 7/2024 mới có thể thấy sự phục hồi ở thị trường châu Âu, còn thời điểm hiện nay vẫn đang ở trạng thái khá khó khăn.

Cùng nhận định, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, những tín hiệu cuối năm 2023 cho thấy xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, mức độ phục hồi trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp do nhu cầu thị trường chưa phục hồi chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này khó phục hồi mạnh. 

Tại thị trường Hoa Kỳ, dù nhu cầu nhập khẩu tăng nhưng thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của các nguồn cung cấp khác như tôm Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó, những bất ổn của thị trường logistics cũng là thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng. 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục