Xuất khẩu nông thủy sản gặp khó

Dù được xem là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 95 tỉ USD trong năm 2021, nhưng thị trường Mỹ vẫn còn nhiều rào cản để các doanh nghiệp Việt tăng thêm kim ngạch xuất khẩu.
Công nhân Tập đoàn Nam Việt thực hiện công đoạn phi lê cá tra - Ảnh: BỬU ĐẤU
 Công nhân Tập đoàn Nam Việt thực hiện công đoạn phi lê cá tra - Ảnh: BỬU ĐẤU

Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ vào tháng 7 tới đây, ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang) - cho biết vẫn đang cập nhật danh sách các nhà máy của công ty để chờ phía Mỹ xác nhận trước khi xuất khẩu. 

"Đây có thể là bước cuối sau 3 năm làm các thủ tục pháp lý, chuẩn bị cho việc đưa hàng vào thị trường lớn nhưng khó tính này. Nhưng điều tôi vẫn còn lo nhất là kiểu tính thuế hồi tố của Mỹ rất khắt khe", ông Nghiệp nói.

Việc tính thuế hồi tố của Mỹ nhằm chống bán phá giá khiến việc xuất hàng vào thị trường này gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn, khi được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, các ngành chức năng của Mỹ sẽ kiểm tra lại giá bán sản phẩm này tại nước thứ 3. Nếu doanh nghiệp bán cùng mặt hàng này vào nước thứ 3 với giá bán như tại thị trường Mỹ xem như doanh nghiệp đạt.

"Còn ngược lại, khi kiểm tra sản phẩm cá tra này bán ở quốc gia khác, nếu phát hiện doanh nghiệp bán giá khác, phía Mỹ cho rằng doanh nghiệp bán phá giá và sẽ đánh thuế suất từ 30-40%. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp đang lo ngại. Do đó, chúng tôi rất mong muốn việc hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ làm sao phải thông thoáng hơn nữa, doanh nghiệp mới xuất khẩu sang Mỹ được nhiều hơn", ông Nghiệp nói.

Trong khi đó, dù đạt kim ngạch xuất khẩu hơn tỉ USD sang Mỹ, nhưng xuất khẩu tôm vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Ông Phạm Hoàng Việt - tổng giám đốc Công CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - cho biết trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới có giảm nhiệt và cơ bản kiểm soát được nên xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ nói riêng và châu Âu, Nhật Bản nói chung tăng trưởng khá, công ty thu về kim ngạch khoảng 210 triệu USD. "Tuy nhiên, năm 2022 lại khá khó khăn khi cước phí tàu chưa giảm, nguyên liệu không ngừng tăng", ông Việt cho biết.

Xuất khẩu trái cây vướng thủ tục

Ông Bùi Dương Thuật - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Mekong, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu dừa uống nước hàng đầu của tỉnh Bến Tre - cho biết dừa tươi Bến Tre đang gặp khó khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, do phía Mỹ đòi hỏi phải có hợp đồng giao thương giữa hai nước về sản phẩm dừa tươi uống nước kể từ tháng 8-2021.

Trước đó, doanh nghiệp này xuất sang Mỹ khoảng 7 container dừa tươi uống nước mỗi tháng, chiếm 30-40% sản lượng, nên việc không xuất khẩu được sang Mỹ gây rất nhiều khó khăn.

"Từ cuối năm 2021, chúng tôi đã gửi hồ sơ kỹ thuật cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) để tiến hành ký kết với phía Mỹ nhưng đến nay chưa xong. Rất mong Cục Bảo vệ thực vật hối thúc phía Mỹ hoàn thiện các thủ tục nhanh chừng nào tốt chừng đó", ông Thuật nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Vina T&T Group, việc xuất khẩu thanh long hiện nay sang Mỹ chỉ có thể vận chuyển bằng đường hàng không, do vận chuyển bằng đường biển bị ách tắc do nhiều nguyên nhân.

"Trước đây, mỗi tuần chúng tôi xuất sang Mỹ khoảng 2 - 3 container thanh long bằng đường hàng không, nhưng nay chỉ có thể bay 1 chuyến hàng 1 tấn. Sản lượng giảm cả chục lần", ông Tùng nói.

Phương Linh

(Theo msn.com)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục