Xuất khẩu nông thủy sản đón cơ hội 'bùng nổ' khi Trung Quốc mở cửa biên giới

Việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh kiểm soát COVID-19 tại các cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đây được đánh giá là tin vui trong năm mới 2023, tất nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị để tận dụng được cơ hội này.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 28/12 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo với một số nội dung có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng 'bùng nổ'

Đặc biệt, từ ngày 8/1/2023, cơ quan hải quan nước này cũng sẽ gỡ bỏ tất cả biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống COVID-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh.

-5920-1672387064.jpg

 Trung Quốc bỏ lệnh xét nghiệm COVID-19 sẽ đem lại thuận lợi lớn cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp xét nghiệm, cách ly phòng dịch COVID-19 được đánh giá là cơ hội lớn cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam. 

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, từ năm 2004, Bộ NN&PTNT đã ký thoả thuận với phía Trung Quốc về hợp tác kiểm soát an toàn thực phẩm với mặt hàng thủy sản. Hiện nay, phía Trung Quốc công nhận 802 doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc; ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã công nhận 780 doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu thuỷ sản sang Việt Nam.

Mặc dù khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, nhất là chính sách "Zero Covid", nhưng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi.

Theo ông Lê Bá Anh, việc Trung Quốc thực hiện chế độ “Zero Covid” khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Chính sách “Zero Covid” khiến tắc toàn bộ thủy sản “tươi sống”, đây chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm thẻ và tôm sú sống. Do đó, khi Trung Quốc mở cửa biên giới thì sẽ tạo thuận lợi cho thủy sản, các mặt hàng này dự kiến sẽ tăng mạnh.

Đồng thời, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc dự báo tăng cao. Khi Trung Quốc mở cửa, các nhà hàng phía bạn sẽ hoạt động trở lại, đồng nghĩa những mặt hàng thủy sản sống, cao cấp sẽ tăng sức tiêu thụ mạnh mẽ.

Cùng với đó là các mặt hàng thủy sản, nếu trước đây xuất khẩu đi bằng đường biển đến cảng và bị ách để kiểm tra trên thành container, bao bì. Thời gian mất khoảng 2 tuần để kiểm tra và nếu bị phát hiện COVID-19 thì bị đình chỉ doanh nghiệp xuất khẩu. Với chính sách mới của Trung Quốc thì toàn bộ thủ tục phức tạp trên bị bãi bỏ, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc sẽ rất thuận lợi.

Sẽ đa dạng các mặt hàng chính ngạch sang Trung Quốc

Đại diện doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), đánh giá, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. "Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19", bà Hằng đánh giá.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, bà Lê Hằng nhận định, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.

Còn đối với mảng tôm, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, EU...

Với các sản phẩm thịt, sữa…, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho hay hiện nay có 9 nhà máy của 7 công ty sản xuất sữa được xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch tăng khoảng 50% trong năm 2022. Đặc biệt, sau gần 4 năm đàm phán, Việt Nam đã ký được Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Cục Thú y đã ban hành hướng dẫn 7 bước cho những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu yến sang Trung Quốc. Hiện, có 5 doanh nghiệp gửi hồ sơ tới Cục Thú y để xin phép xuất khẩu. Mọi quá trình hoàn thiện thủ tục  đang được đẩy mạnh, hy vọng đầu năm 2023, sẽ có lô hàng tổ yến đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt, Cục Thú y cũng cho hay đang phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng vùng an toàn phòng bệnh lở mồm long móng, sau khi phía Việt Nam xây dựng được sẽ hai bên sẽ đi đến ký kết thỏa thuận. Đây là điều kiện cần thiết để tiến tới xuất khẩu heo, gia súc thuận lợi chính ngạch sang Trung Quốc. Cùng với đó, Cục Thú y đang đẩy nhanh quá trình xuất khẩu thịt gà và sản phẩm chế biến sang Trung Quốc…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc Trung Quốc – thị trường hơn 1,4 tỷ dân mở cửa có ý nghĩa rất quan trọng với ngành nông nghiệp. Do vậy, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng chuẩn bị nguồn nguyên liệu, hàng hóa đạt chất lượng để tận dụng được tối đa cơ hội ngay khi thị trường trên mở cửa hoàn toàn. 

Trong khi đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới; Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới phía Bắc trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.

Bảo Ngọc (Theo VnBusiness)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục