Tổng hợp tin thủy sản, tuần từ 13-17/12/2021

 

Tổng hợp tin thủy sản tuần từ 1317122021

Những đối tượng nào được hỗ trợ theo chính sách mới của Công đoàn?  Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, có hiệu lực từ ngày 15.12.2021. Đoàn viên, người lao động là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ 1.500.000 đ - 3.000.000 đồng/người tùy theo triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên hay phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.  Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người.

Đề xuất tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản xúc tiến thương mại truyền thống.  Từ năm 2020-2021, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống của VASEP đều tạm ngưng do đại dịch; không tổ chức được 3 hội chợ chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới.  VASEP đề xuất tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn. Cục XTTM tiếp tục hỗ trợ các DN XK thủy sản tham gia đầy đủ các sự kiện trên. Xem xét tăng tỷ lệ hỗ trợ các chương trình XTTM truyền thống trong thời gian sau đại dịch do hiện nay DN không còn đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong khi chi phí tham gia các hội chợ này tăng đều hàng năm; tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B (giữa DN với DN) cho lĩnh vực thủy sản thông qua các kênh của Bộ Công Thương tại các thị trường đang có tăng trưởng tốt, các thị trường chúng ta muốn tiếp cận để góp phần vào tăng trưởng chung cũng như tránh sự phụ thuộc vào những thị trường chính…

Tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng chi phí tuân thủ khi cắt giảm điều kiện kinh doanh lĩnh vực thủy sản. Bộ NN và PTNT đã có báo cáo kết quả rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Cụ thể, đối với khai thác thủy sản, số quy định liên quan đến HĐKD dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa: 03/24 quy định, chiếm tỷ lệ 12,5% trên tổng số quy định liên quan đến HĐKD trong ngành nghề kinh doanh.

Đối với kinh doanh thủy sản, số quy định liên quan đến HĐKD dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa: 09/21 quy định, chiếm tỷ lệ 42,85% trên tổng số quy định liên quan đến HĐKD trong ngành nghề kinh doanh. Trong đó, số quy định thủ tục hành chính: 02/08 quy định, chiếm tỷ lệ 25% trên tổng số quy định trong ngành nghề kinh doanh. Số quy định YCĐK: 0/3 quy định, chiếm tỷ lệ 0% trên tổng số quy định trong ngành nghề kinh doanh...Số quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kỹ thuật: 07/10 quy định, chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số quy định trong ngành nghề kinh doanh. Số quy định kiểm tra chuyên ngành: 0/0 quy định, chiếm tỷ lệ 0% trên tổng số quy định trong ngành nghề kinh doanh.

Tắc nghẽn tại các cảng Trung Quốc giảm bớt. Tỷ lệ hàng hóa bị buộc nằm chờ ở các cảng của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã giảm trong tháng 11 (12%) so với tháng 8 (14%), nhưng vẫn ở mức cao so với tháng 3 năm 2020 (8%). Tỷ lệ năng lực vận chuyển do các tàu chờ ở cảng quan trọng của Trung Quốc là Ninh Ba (1,5%) thấp hơn ở Los Angeles (3%), trong khi tắc nghẽn ở Đồng bằng sông Châu Giang (thuộc tỉnh Quảng Đông) cũng ở mức tương tự như ở Savannah, Georgia, Hoa Kỳ, ở mức 3%.

Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến doanh số bán thủy sản của Hoa Kỳ. Doanh số bán hàng hải sản tươi sống trong tháng 11/2021 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán hàng chế biến giảm 3,5%. Nguồn cung thủy sản có vỏ đã bị ảnh hưởng, doanh số bán lẻ thủy sản có vỏ giảm 9,1%. Doanh số bán hàng trong tháng 11/2021 giảm 8,5% so với tháng 11/2020. Tuy nhiên, doanh số bán cá tươi tăng 4,3%. So với năm 2019, doanh số bán hàng hải sản đông lạnh vẫn cao hơn mức thông thường từ 35% đến 40% và hải sản tươi sống cao hơn khoảng 30%.

Xuất khẩu nhuyển thể hai mảnh vỏ sang EU sẽ tiếp tục tăng.Tính tới 15/11/2021, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sang EU đạt 73,7 triệu USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang Italy (thị trường đơn lẻ lớn nhất khối, chiếm tỷ trọng 30%), đạt trên 22 triệu USD, tăng 49%. Tiếp theo là thị trường Tây Ban Nha với giá trị XK đạt 21,3 triệu USD, tăng 42% và XK sang Bồ Đào Nha đạt 17,5 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm chính XK sang 3 thị trường này là ngao trắng và ngao nâu hấp đông lạnh. Giá trung bình XK sang Italy dao động từ 2,35 – 2,69 USD/kg, trong khi giá trung bình XK sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dao động từ 1,7 – 2 USD/kg.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021. Các lô hàng cá ngừ đóng hộp NK vào EU trong 3 quý đầu năm 2021 lên tới 405.848 tấn, gần tương đương với cùng kỳ năm 2020, chỉ thấp hơn 10.000 tấn so với cùng kỳ năm 2019 – mức cao nhất trong 5 năm qua. Giá CFR cá ngừ đóng hộp trung bình ở mức thấp nhất trong 3 năm qua 4.183 EUR/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam mở rộng thị phần cá ngừ ở Australia.  XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 2,7 triệu USD, tăng 103% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 19 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK cá ngừ sang thị trường này, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long – Đà Nẵng, Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Long Nha Trang và Công ty CP Bá Hải.  Các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu chủ lực sang thị trường Australia gồm cá ngừ ngâm dầu đóng hộp hay đóng túi, thịt/philê cá ngừ động lạnh, thịt cá ngừ cắt miếng đông lạnh, …

Khả năng tự cung cấp cá ngừ của EU giảm. Trong năm 2019, khả năng tự cung tự cấp của EU đối với cá và thuỷ sản là 41,2%, giảm 1,5% so với năm trước. Tỷ lệ tự cung đối với cá ngừ của EU đã giảm từ 33% xuống còn 29% vào năm 2019. EU  phụ thuộc ngày càng nhiều vào lượng loin cá ngừ hấp đông lạnh theo hạn ngạch ATQ. Đặc biệt, Trung Quốc đã và đang tận dụng chương trình thương mại miễn thuế này để mở rộng XK loin cá ngừ hấp đông lạnh sang EU.

Giá cá tra nguyên liệu khởi sắc. Giá cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng bình quân 2.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Tại TP Cần Thơ và những tỉnh có nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tại vùng ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…, cá tra thịt trắng đạt chuẩn xuất khẩu có giá 23.000-24.000 đồng/kg. 11 tháng năm 2021, nước ta đã nuôi trồng và thu hoạch cá tra đạt sản lượng 1,3 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Ước sản lượng thu hoạch cá tra cả năm nay đạt 1,5 triệu tấn, tương đương năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ đạt 1,54 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020.

Cá tra Campuchia rộng cửa vào thị trường Trung Quốc. Theo đưa tin từ tờ Phnom Penh Post, chính phủ Trung Quốc sắp mở cửa cho cá tra xuất khẩu của Campuchia. Các sản phẩm cá tra của Campuchia được cho là gần với loài cá tra nuôi phổ biến tại Việt Nam. Việc nhập khẩu cá tra Campuchia có thể bắt đầu ngay sau khi giới chức Trung Quốc tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh tại các cơ sở sản xuất cá tra liên quan.

Nhật Bản: Giá trị nhập khẩu thủy sản tăng trong 10 tháng đầu năm nay. NK thủy sản của nước này trong tháng 10/2021 đạt 150,08 nghìn tấn, trị giá 134,5 tỷ Yên (tương đương 1,19 tỷ USD), giảm 8,2% về lượng, nhưng tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, NK thủy sản của Nhật Bản đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 1.170 tỷ Yên (tương đương 10,357 tỷ USD), giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá. Cá ngừ là mặt hàng NK lớn nhất, đạt 500 nghìn tấn, trị giá 393,1 tỷ Yên (tương đương 3,5 tỷ USD), tăng 16,5% về lượng và tăng 15,9% về trị giá so với 10 tháng năm 2020; NK tôm đạt 183,1 nghìn tấn, trị giá 206,5 tỷ Yên (tương đương 1,83 tỷ USD), tăng 5,4% về lượng và tăng 6,5% về trị giá. 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Nhật, đạt 111,1 nghìn tấn, trị giá 94,94 tỷ Yên (tương đương 840 triệu USD), tăng 1,1% về lượng, nhưng giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo lượng tăng nhẹ từ 7,2% trong 10 tháng năm 2020, lên 7,3% trong 10 tháng năm 2021.

Giá cá rô phi nhỏ Trung Quốc tăng cao. Giá cá rô phi trung bình tại Quảng Đông, tỉnh sản xuất cá rô phi lớn nhất ở Trung Quốc, tăng lên 8,15 NDT/kg (1,28 USD) đối với cá cỡ 300-500g, tăng 22% so với mức cao nhất trong cùng tháng của năm 2018.

Covid-19 cản đường xuất khẩu cá tra năm 2021. Diện tích nuôi thả cá tra tại ĐBSCL trong các tháng 7 - 8 - 9/2021, giảm khoảng 30 - 55% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái, nên trong các tháng 1, 2 và 3 của năm 2022, có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu. Dự kiến, sản lượng nuôi cá tra của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD.

Việt Nam nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga tăng mạnh. Nhập khẩu thủy sản của Nga trong 9 tháng năm 2021 đạt 481,8 nghìn tấn, trị giá 1,77 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với 9 tháng năm 2020. Quần đảo Faroe, Belarus, Chile, Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Nga tính về lượng trong 9 tháng năm 2021. Nhập khẩu thủy sản của Nga từ Việt Nam tăng 79,8% về lượng và tăng 67,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 37 nghìn tấn, trị giá 130,8 triệu USD.

Quy định mới với doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trừ trường hợp có thỏa thuận riêng, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc phải nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua Hệ thống đăng ký. Hệ thống bao gồm website: http://cifer.singlewindow.cn/ hoặc Cổng thương mại quốc tế một cửa Trung Quốc là http://singlewindow.cn/.  Đối với 4 loại sản phẩm bao gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, sản phẩm sữa, tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, các doanh nghiệp đã đăng ký thì việc đăng ký tiếp tục có hiệu lực theo thời hạn đã cấp. Trước ngày 1/1/2022, việc đăng ký doanh nghiệp thuộc 4 loại thực phẩm này, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đăng ký theo phương thức hiện hành (theo thỏa thuận đã có) hoặc thông qua Hệ thống đăng ký để nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Từ ngày 1/1/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ chấp nhận hồ sơ nộp thông qua hệ thống đăng ký.

Doanh nghiệp kêu trời vì các hãng tàu thu phí 'mất cân bằng vỏ container' quá cao. Mức phí bình thường chỉ 40 USD/container 20 feet nhưng ngày càng tăng và nay lên đến 100 - 120 USD/container 20 feet.

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục