Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua một năm nhiều biến động, khó khăn, nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế.
Sáng 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua một năm nhiều biến động, khó khăn, nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế.
Điển hình trong quý III/2021, khi kinh tế cả nước tăng trưởng âm thì nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra 6,6 tỷ USD trong bối cảnh và điều kiện rất khó khăn.
Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước, nhất là kinh tế biển.
Đặc biệt, ngành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thị trường, thời tiết và chưa thực sự chú trọng tới công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Thị trường xuất khẩu cũng chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường và chưa xây dựng được nhiều sản phẩm mang tầm quốc gia, quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng yêu cầu, năm 2022 sẽ còn khó khăn hơn năm 2021 nên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đoàn kết sáng tạo, đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa.
Đồng thời, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời, chính xác; tổ chức thực hiện hiệu quả để mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Ngành cần lựa chọn nội dung và cân đối nguồn lực, thời gian nhằm thực hiện đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp trên 3%, xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD.
Cùng đó, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xây dựng nhiều sản phẩm quốc gia, quốc tế… Nếu sản phẩm vẫn phụ thuộc vào một số thị trường thì rất dễ xảy ra đứt gãy khi có khủng hoảng. Do đó, ngành phải sản xuất ra các sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp.
Năm 2021, dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm và nỗ lực vươn lên; đồng thời, đề ra các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ các tình huống bất thường của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, năm 2021, ngành đã đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,9%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Chính phủ giao. Lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo cung ứng kịp thời đến hàng chục triệu người dân tại các đô thị, trung tâm công nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số… đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và tạo sức lan tỏa, làm thay đổi cách thức tiếp cận nông nghiệp truyền thống. Đặc biệt, một nền nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đề ra dần được định hình và hiện thực hóa.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục khẳng định thành tích to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử. Những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) từ làng quê nông thôn dần trở thành sản phẩm quốc gia “hội tụ giá trị - lan tỏa văn hóa”. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
"Ngành nông nghiệp cũng đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những mô hình và cách tiếp cận mới hơn. Không gian phát triển được mở rộng, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Tại Hội nghị, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, với lợi thế của mình, địa phương xác định tập trung vào loại cây trồng đặc sản: quế, chè…. Chăn nuôi chuyển đổi tích cực từ hộ nhỏ lẻ sang trang trại, doanh nghiệp và có nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô chăn nuôi từ 5.000 - 12.000 con lợn. Tỉnh định hướng phát triển lâm nghiệp dưới tán rừng nên đã quy hoạch 200.000 ha và phát triển nông thôn gắn với du lịch.
Ông Trần Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ sớm cho phép thuê dịch vụ môi trường rừng phát triển dược liệu dưới tán rừng; tăng mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất để đảm bảo kinh phí trồng và chăm sóc vì thời gian trồng rừng dài. Với các tỉnh miền núi khó khăn, đường lâm sinh là vấn đề rất lớn nếu không có sự hỗ trợ thì rất khó phát triển rừng.
Trong phát triển thủy sản, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh quan tâm phát triển đội tàu xa bờ và đầu tư cho chế biến để phát triển sản phẩm thế mạnh của tỉnh là cá ngừ đại dương.
Tuy nhiên, địa phương hiện có 2 cảng cá đang bị xuống cấp và đề nghị Bộ bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp cảng cá nhằm hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc, tạo nơi cư trú an toàn cho tàu thuyền khi có thiên tai.
Nhìn nhận về thị trường nông sản, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết, dư địa xuất khẩu rau quả còn nhiều, nhiều khách hàng châu Âu, Nhật Bản… đã và đang đặt hàng khối lượng lớn với điều kiện sản xuất theo GlobalGAP và chế biến đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo vấn đề này, một doanh nghiệp hay một tỉnh không thể có được diện tích lớn và rất cần sự liên kết giữa các hợp tác xã và địa phương.
Ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19 là lĩnh vực logistics và đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam. Các bộ, ngành cần có thông báo, khuyến cáo kịp thời, nhanh nhạy về logistics để doanh nghiệp nắm bắt được tình hình, hạn chế tối đa rủi ro.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu trực tuyến tại điểm cầu địa phương. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông nghiệp với thời gian từ 8 - 10 năm để doanh nghiệp có thể xây dựng được từ vùng nguyên liệu đến chế biến, xây dựng thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, kết quả đạt được của ngành nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển còn thiếu “bàn tay” liên kết vùng, xây dựng sản phẩm chủ lực; sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và xuất khẩu theo tiểu ngạch.
Để tăng số lượng mặt hàng nông sản được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cần thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, dù việc này không dễ dàng. Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Nghị định thư để các nông sản tiết kiệm thời gian kiểm tra, kiểm dịch… khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp trong phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, phương thức vận chuyển tiêu thụ, đẩy mạnh phân phối hàng hóa trên nền tảng số. Từ đó, từng bước phát triển thị trường và giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2022, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, vững chắc sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải bám sát tình hình để có giải pháp điều hành linh động, khoa học, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Chủ động thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương. Đồng thời, giữ vai trò xây dựng chiến lược, thể chế, quy hoạch, kiểm tra và hỗ trợ lan tỏa những mô hình mới, hiệu quả từ thực tiễn ở các địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này nhằm hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “Nông dân là trung tâm, Nông thôn là nền tảng, Nông nghiệp là động lực”. Đặc biệt, Chiến lược không chỉ định vị nông nghiệp, nông thôn như một ngành kinh tế tổng hợp, là “trụ đỡ” khi kinh tế gặp khó khăn mà còn nằm trong một cấu trúc, góp phần phát triển kinh - tế xã hội đất nước./.
(Theo bnews)
Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn